Trong các loại hình dịch vụ, GoBike được sử dụng nhiều nhất, chiếm tới gần 60% tổng số đơn hàng, tiếp đó là GoFood chiếm gần 30% tổng số đơn hàng. GoSend tuy có tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số lượng đơn tăng không đáng kể so với hai loại hình dịch vụ còn lại. Trong đó, số đơn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới hơn 85% tổng số đơn hàng của cả nước.
Các cuốc xe được thống kê trong thời gian từ ngày 17/1/2020 đến hết ngày 29/1/2020 (tức 23 tháng Chạp đến mùng 5 Tết). Trong đó các đối tác tài xế GoViet đã hoàn tất tổng cộng hơn 2,012 triệu cuốc xe, tăng trưởng nhiều nhất là dịch vụ GoBike với mức 22% so với năm ngoái ở cả TP.HCM và Hà Nội.
Ra mắt tại TP.HCM vào tháng 8/2018 và Hà Nội vào tháng 9/2018, GoViet là một công ty liên kết với Gojek Group. Đến cuối năm 2019, Công ty đã thực hiện 115 triệu chuyến xe, kết nối hàng triệu người dùng với 150 nghìn đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng.
Đại diện GoViet cho biết, Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng trong những tháng gần đây.
Trong 4 năm qua, thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam được nhận định tăng trưởng nhanh chóng và cũng chứng kiến sự cạnh tranh "một mất một còn" giữa nhiều tên tuổi. Hiện tại, đường đua giữa Grab, GoViet, Be đang nóng thêm bởi sự xuất hiện của những tay chơi mới bao gồm FastGo (với sự bắt tay của Vingroup để đưa các dòng xe VinFast vào cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ), MyGo (Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel)...
Theo nghiên cứu về 6 thị trường được thực hiện bởi Google, công ty cổ phần nhà nước Singapore Temasek và tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ Bain, Việt Nam là thị trường lớn thứ tư sau Indonesia, Singapore và Thái Lan ở Đông Nam Á với quy mô dự kiến 4 tỷ USD vào năm 2025 (báo cáo e-Conomy SEA 2019).