Mới đây, hai phóng viên của Hãng thông tấn Reuters (Anh) là Alexei Oreskovic và Alistair Barr đã phát hiện ra một đề tài khá hấp dẫn, mang tính dự báo. Đó là trong năm 2013, hầu như chắc chắn sẽ xảy ra sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đại gia công nghệ cao là Amazon và Google trên một số lĩnh vực kinh doanh, như quảng cáo trực tuyến, bán lẻ qua thiết bị di động và điện toán đám mây (cloud computing).
Hai phóng viên trên đã cùng nhau viết bài phân tích có tựa đề, nguyên văn tiếng Anh là Amazon, Google on collision course in 2013 (tạm dịch: Amazon, Google chạm trán nhau trong năm 2013). Theo đó, họ khẳng định, năm 2013 sẽ là năm chứng kiến sự cạnh tranh, đối đầu quyết liệt trong kinh doanh giữa Amazon và Google.
Bài phân tích cho rằng, mầm mống của cuộc cạnh tranh giữa Amazon và Google đã bắt đầu manh nha từ cách đây 10 năm, khi ông Jeff Bezos, người sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) Amazon được cung cấp thông tin là Google đang xúc tiến triển khai một dự án nghiên cứu và phát triển việc hoàn thiện quét (scan) và số hóa các catalog sản phẩm. Thông tin này có tác dụng như lời cảnh báo ông Jeff Bezos, khi đó là một trong những nhà đầu tư đầu tiên rót nhiều vốn vào Google, khiến ông giật mình và phải động não tính toán.
Một phụ tá thân cận của ông Jeff Bezos kể lại: “Ông Jeff Bezos nhận thức ngay là Google có ý đồ sẽ lấn sang địa hạt bán lẻ trực tuyến của Amazon, bởi một khi công cụ tìm kiếm trực tuyến này thực hiện quét và số hóa tất cả các cuốn sách, thì sau đó, tất yếu sẽ chào bán các phiên bản này trên mạng. Tức là Google sẽ lấn sân của Amazon và như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc kinh doanh của Amazon”.
Nhiều nhà phân tích đã chia sẻ với quan điểm của bài phân tích và đều công nhận rằng, ông Jeff Bezos đã tiên liệu đúng tình hình.
Ông Chi-Hua Chien, chuyên gia phân tích của Công ty đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers (Mỹ) nhận xét: “Amazon muốn trở thành điểm đến duy nhất, nơi mà bạn có thể mua tất cả mọi thứ. Còn Google muốn trở thành nơi duy nhất mà bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ và tất nhiên là một khi bạn tìm thấy sản phẩm ở đâu thì bạn sẽ sẵn sàng mua sản phẩm tại đó. Xét trên những khía cạnh này, việc 2 bên đụng độ nhau là có thể thấy trước được”.
Tất nhiên, “đụng hàng” là một chuyện, còn việc có “vượt mặt nhau” hay không lại là câu chuyện khác.
Xét về mặt lý thuyết, Amazon có nhiều lý do để e ngại hơn.
Thứ nhất, giá trị vốn hoá thị trường của Google hiện vào khoảng 235 tỷ USD, cao gấp hai lần so với Amazon.
Thứ hai, mảng kinh doanh quảng cáo của Amazon còn khá yếu, nên rất hạn chế trong việc kiếm tiền.
“Năm 2011, doanh thu quảng cáo của Amazon chỉ là 500 triệu USD, một con số lẻ trong tổng doanh thu 48 tỷ USD của toàn Tập đoàn. Trong khi đó, mảng quảng cáo của Google lại hết sức hùng hậu, chiếm tới 96% trong tổng doanh thu 38 tỷ USD”, báo cáo phân tích của Công ty Robert W. Baird & Co (Mỹ) nêu rõ như vậy.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến lại cho rằng, về mặt lý thuyết là vậy, song trên thực tế, Amazon có những thế mạnh riêng mà Google còn phải học tập nhiều.
Thứ nhất, nhiều người vẫn tìm đến Amazon.com để mua hàng, còn truy cập Google chỉ để... tra cứu thông tin.
Theo số liệu thống kê của Hãng nghiên cứu, điều tra Forrester (Mỹ), trong quý III/2012, có đến 30% tổng số người mua sắm trực tuyến ở Mỹ tìm kiếm mua hàng trên Amazon.com, trong khi chỉ có 13% người tìm mua sản phẩm trên các công cụ tìm kiếm như Google. Đây là xu thế đảo ngược hoàn toàn so với cách đây 2 năm, khi các công cụ tìm kiếm thường là nơi đầu tiên người tiêu dùng truy cập vào để tìm mua hàng qua mạng.
Thứ hai, Amazon.com đang bán các mẫu quảng cáo xuất hiện bên phần kết quả tìm kiếm sản phẩm trên website của mình. Theo Hãng comScore, đã có đến 6,7 tỷ lượt xem quảng cáo trên trang Amazon.com trong quý III/2012, cao gấp hơn 3 lần so với quý III/2011. Tức là Amazon đã biết cách kéo khách hàng tiềm năng đến với mình.
Ông Ben Schachter, chuyên gia phân tích của Hãng nghiên cứu Macquarie Research nhận xét, thành công bước đầu này là mối quan ngại lớn với Google, vì hoạt động kinh doanh của công cụ tìm kiếm này phụ thuộc nhiều vào mảng tìm kiếm sản phẩm và các mẫu quảng cáo tìm kiếm sản phẩm.
Tiếp đó, Amazon đã dày công nghiên cứu và đi trước Google trong các lĩnh vực cạnh tranh trên, nên dù sao cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn. Cụ thể, Amazon đã bắt tay vào nghiên cứu phần mềm điện toán đám mây cách đây 6 năm, trong khi Google mới chỉ thực sự vào cuộc trong năm 2012.
Ông Oren Etzioni, giáo sư về điện toán của Đại học Washington (Mỹ) thì lại phán rằng, xuất phát chậm là một thiệt thòi, nhưng về lâu dài, chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”, nhất là khi Google luôn tiếp thu nhanh và tiến bộ cũng rất nhanh.