Cuộc thanh lọc ngân hàng và doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Lo ngại cuộc đua lãi suất như hồi đầu năm tái diễn khi trần lãi suất được gỡ bỏ, theo nhận định của giới chuyên gia, là không có cơ sở. Ngân hàng, doanh nghiệp và người dân chủ động hơn với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ mới, song tự do hóa lãi suất cũng sẽ thanh lọc những ngân hàng và doanh nghiệp yếu kém. Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã trao đổi với ĐTCK xung quanh vấn đề này.

Bỏ trần lãi suất, định hướng điều hành chính sách tiền tệ tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất bỏ lãi suất trần, trở lại điều hành theo lãi suất cơ bản. Vừa qua, lãi suất của mình xa rời nguyên tắc thị trường, có yếu tố vi phạm Bộ luật Dân sự. Cách điều hành làm cho tiền vào ngân hàng ít, vốn ngân hàng cho vay hạn chế, khả năng thanh khoản của các ngân hàng khó khăn, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng lên. Áp dụng trần lãi suất làm ngân hàng khó huy động vốn, không rút được tiền trong lưu thông về, lãi suất tiền gửi thực âm nên động lực thu tiền về không có. Trên thị trường có nghịch lý là kỳ hạn huy động ngắn mà lãi suất lại cao, đảo lộn quy luật bình thường. Bộ luật Dân sự quy định, lãi suất cho vay không vượt lãi suất cơ bản cộng thêm 50%, nhưng thực tế hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng đang vượt 200%, áp trần lãi suất như vậy, ngân hàng, doanh nghiệp lúng túng, không biết lãi suất đi đến đâu, vì thế sửa là cần thiết.

Cách điều hành là phải trở lại lãi suất theo cung - cầu trên thị trường, NHNN sẽ quyết định lãi suất cơ bản trên cơ sở xem xét lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất của 5 - 7 ngân hàng hàng đầu. Ngoài ra, còn phải phán đoán cung cầu vốn ra sao để tăng hoặc hạ lãi suất cơ bản. Bỏ lãi suất trần có 3 cái lợi. Thứ nhất, NHTM căn cứ khả năng trên thị trường mà hình thành lãi suất huy động, ngân hàng nào năng lực điều hành tốt, có tiềm lực thì có thể có lãi suất thấp. Doanh nghiệp biết được xu hướng thị trường vốn vận động ra sao, lãi suất thế nào là hợp lý sẽ chủ động. Thứ hai, chúng ta không bị mang tiếng là điều hành bằng biện pháp hành chính và không phạm luật. Thứ ba, người dân có thể hưởng lãi suất tiết kiệm thực dương.

 

Có ý kiến lo ngại, bỏ trần sẽ tái diễn cuộc đua lãi suất, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ, khó có cuộc đua lãi suất, ngân hàng nào điều hành, quản trị, thương hiệu kém sẽ phải duy trì lãi suất cao, nhưng cao quá thì cho vay khó, chẳng hạn lãi suất 22%/năm thì không có ai vay. Hơn nữa, hoạt động như vậy không khéo sẽ lỗ, do đó sẽ phải điều chỉnh. Tôi dự đoán, lãi suất huy động tới đây khoảng 13 - 14%/năm, lãi suất cho vay 19 - 20%/năm là mức có thể chấp nhận được. Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác, ở các nước cũng thế.

 

Như vậy, có thể không tránh khỏi cảnh có ngân hàng thua lỗ?

Chúng tôi lo nhất cho những ngân hàng cổ phần mới từ nông thôn chuyển lên đô thị. Kinh doanh ngân hàng ở thời điểm này và tới đây không thể "phơi phới" như trước, vì thế ngân hàng nào quản trị kém, điều hành có sai sót phải nhanh chóng chỉnh sửa để phát triển bền vững hơn, thị trường sẽ thanh lọc cả ngân hàng và doanh nghiệp yếu kém, không thanh lọc thì không thể phát triển lâu dài.

 

Cơ quan hoạch định chính sách có lường trước tình thế sẽ có những ngân hàng sáp nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh?

Khả năng sẽ có ngân hàng phải sáp nhập và luật cũng đã có quy định đầy đủ. Có thể, với mức độ cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, một số ngân hàng, doanh nghiệp không chịu được phải giải thể, sáp nhập, đó cũng là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục