Cần có giải pháp ổn định thị trường kinh doanh khí và gas khi nguồn cung có xu hướng giảm

(ĐTCK) Nguồn cung khí giá rẻ suy giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nên buộc phải nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện. Điều này sẽ tác động tới thị trường kinh doanh khí và gas, nên rất cần có các giải pháp ổn định thị trường và cân đối giá.
Cần có giải pháp ổn định thị trường kinh doanh khí và gas khi nguồn cung có xu hướng giảm

Khuyến nghị trên được đưa ra tại Hội thảo “Thách thức và Triển vọng thị trường gas” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng qua 14/11. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Những con số trên đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang ngày càng được phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung.

 Toàn cảnh Hội thảo “Thách thức và Triển vọng thị trường gas”

Tuy nhiên trong năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, dẫn đến có những thời điểm thị trường không ổn định, hiệu ứng dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý. 

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phụ trách Ban Thị trường PV Gas cho biết, hiện nay nguồn khí tự nhiên trong nước đang có chiều hướng giảm dần, trong khi đó nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt theo quy hoạch đến 2020, tỷ trọng phát điện từ các nguồn khí đạt 16,6% và khoảng 19% vào 2022.

Trong bối cảnh nguồn trong nước suy giảm, giải pháp nhập khẩu thêm khí thông qua nhập khẩu đường ống hoặc LNG cần được tính tới. Tuy nhiên, để có thể tính tới phương án nhập khẩu cần đảm bảo giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các kho dự trữ cần thiết ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Bắc Bộ.

Còn theo bà Bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, hiện nay nguồn cung LNG trong nước đáp ứng được khoảng 45%, còn 55% phải nhập khẩu, trong khi lượng khí này đã và đang được tận dụng và sử dụng hết. Do đó, khả năng tới đây Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng: khí, điện, đạm.

Cũng theo bà Quỳnh, Việt Nam đang tính phương án nhập LNG từ Malaysia về có thể trộn chung với đường ống khí cung cấp cho điện, đạm ở Cà Mau, do đó chắc chắn mức giá có thể tăng do chi phí phát sinh.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, trở ngại lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu vốn, bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề đặt ra.

”Quy hoạch khí trên cơ sở nguồn khí suy giảm, nhu cầu điện cao, đặc biệt sau Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Cop 21), các nhà máy điện than bị hạn chế, tổ chức tín dụng cho vay vốn khó khăn, thì khí và các nguồn năng lượng chế tạo là xu hướng chung. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, hạn chế của Việt nam hiện nay là các kho lưu trữ và tính cạnh tranh còn thấp”, bà Quỳnh chia sẻ.

Việt Nam đang tính phương án nhập LNG từ Malaysia về có thể trộn chung với đường ống khí cung cấp cho điện, đạm ở Cà Mau, do đó chắc chắn mức giá có thể tăng do chi phí phát sinh.   

Trong bối cảnh này, các chuyên gia tại hội thảo cùng thống nhất cho rằng vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho việc phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG của Việt Nam và các giải pháp phát triển hạ tầng để nhập khẩu LNG cho sản xuất điện ở Việt Nam.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đồng tình chia sẻ những khó khăn, thách thức của thị trường gas trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng đang có nhiều vấn đề tồn tại dẫn đến khó kiểm soát cũng như những rào cản, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh gas.

Từ đó, các chuyên gia và các doanh nghiệp đều thống nhất đề xuất kiến nghị lên các bộ, ban, ngành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và quốc tế tới doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới môi trường kinh doanh.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục