Apple “tung chiêu” ép người dùng iPhone phải thay pin chính hãng

Apple vừa áp dụng một giải pháp mới để ngăn chặn người dùng iPhone thay thế pin trên sản phẩm bằng các loại pin được cung cấp từ bên thứ 3. Đây được xem như giải pháp để buộc người dùng iPhone chỉ có thể thay pin chính hãng do Apple cung cấp. 
Apple “tung chiêu” ép người dùng iPhone phải thay pin chính hãng

Theo trang công nghệ iFixit, Apple đã áp dụng một giải pháp bằng phần mềm để khóa đi một tính năng hữu ích trên nền tảng iOS đối với những người dùng iPhone đã thay thế pin không chính hãng.

Cụ thể, nếu người dùng thay pin trên iPhone bằng loại pin không chính hãng (do bên thứ 3 cung cấp) thì tính năng “Tình trạng pin” (Battery Health) trên iOS sẽ bị vô hiệu hóa. “Tình trạng pin” là tính năng được Apple trang bị đầu tiên từ phiên bản iOS 11.3, cho phép người dùng quản lý tình trạng của pin trên iPhone, giúp người dùng có thể biết được pin trên iPhone của mình đã bắt đầu chai hay chưa và đã đến thời điểm phải thay pin hay chưa.

Apple “tung chiêu” ép người dùng iPhone phải thay pin chính hãng ảnh 1

Thông báo lỗi hiện ra ở tính năng “Tình trạng pin” đối với các mẫu iPhone thay pin không chính hãng.

Với những người dùng đã thay thế pin không chính hãng trên iPhone thì khi truy cập vào chức năng “Tình trạng pin” trên iPhone của mình, họ sẽ chỉ nhận được thông báo: “Không thể xác minh iPhone này sử dụng pin Apple chính hãng. Thông tin sức khỏe pin không có sẵn cho pin này”. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không biết được tình trạng của pin trên iPhone của mình và lúc nào thì cần phải thay thế pin.

Đáng chú ý, thông báo này cũng sẽ xuất hiện khi thay pin chính hãng, nhưng không được thực hiện bởi các nhân viên của Apple tại các cửa hàng được ủy quyền. Điều này cho thấy Apple sẽ kiểm soát kỹ hơn về quy trình đổi pin trên iPhone, từ loại pin được thay thế lẫn người thực hiện quá trình thay thế pin để đảm bảo không có sự cố này xảy ra trong quá trình đổi pin.

Theo iFixit thì hiện tại điều này mới chỉ xảy ra với người dùng đang sử dụng iPhone XS, XS Max và XR.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple tìm cách ép người dùng phải sử dụng các dịch vụ sửa chữa chính hãng và được ủy quyền của Apple. Trước đó vào năm 2016, những người dùng iPhone gặp sự cố với nút bấm Touch ID/Home trên thiết bị của mình nếu sửa chữa tại các cửa hàng bên ngoài đã bị gặp lỗi khiến cho nút bấm này bị treo và không thể sử dụng được sau khi sửa. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là một động thái cảnh cáo vì Apple sau đó đã phát hành một bản vá lỗi để giúp người dùng có thể sử dụng lại nút bấm Home/Touch ID trên iPhone của mình một cách bình thường.

Apple hoàn toàn có lý để buộc người dùng iPhone phải sử dụng các dịch vụ sửa chữa chính hãng, vì điều này sẽ giúp “quả táo” kiểm soát tốt hơn chất lượng các sản phẩm và linh kiện của mình, tránh những trường hợp sự cố hoặc hỏng hóc xảy ra với thiết bị làm ảnh hưởng đến uy tín của Apple và đặc biệt sẽ giúp Apple kiếm được một phần doanh thu từ dịch vụ sửa chữa và cung cấp linh kiện của mình.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục