Trước đó, DNP đã đăng ký mua 19 triệu cổ phiếu của CVT.
Trong phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu CVT ghi nhận giao dịch thoả thuận với khối lượng lên tới 18,78 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 1.013,15 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 54.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu này chiếm hơn 51% vốn của CVT.
Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu CVT đã tăng 274,72% và tăng 17,23% tính riêng trong 3 tháng qua. Đà tăng mạnh của giá cổ phiếu CVT, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì đột biến, một phần xuất phát từ việc Nhựa Đồng Nai muốn “thâu tóm”, cũng như nhóm nhà đầu tư khác liên quan tới Công ty Hoà Bình Minh “gom hàng”.
Kết quả kinh doanh đi ngang
Trong 4 năm qua, kết quả kinh doanh của CVT không có đột phá, thậm chí theo xu hướng giảm nhẹ. Năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.360,4 tỷ đồng, giảm 13,96% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 120,6 tỷ đồng, giảm 26,7%.
Các năm trước đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thường quanh mức hơn 160 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của CVT (nguồn: Vietstock) |
CVT tiền thân là Nhà máy Bê tông Việt Trì thành lập năm 1958, cổ phần hóa năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 366,9 tỷ đồng sau nhiều lần tăng vốn.
Sản phẩm chính của CVT là các loại gạch lát, gạch ốp (bao gồm ceramics và granit). Ngoài ra, Công ty sản xuất các loại gạch thẻ và từ năm 2016 đưa ra thị trường thêm sản phẩm gạch ngói.
Hiện tại, CVT nằm trong Top 5 đầu ngành gạch ốp lát tại Việt Nam về thị phần và công suất sản xuất.
Năm 2021, CVT đặt mục tiêu doanh thu cao hơn so với thực hiện năm 2020, nhưng lợi nhuận lại đi xuống. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.450 tỷ đồng, cao hơn 7% so với năm 2020. Lợi nhuận thực hiện 150 tỷ đồng, dù năm 2020 đạt 151,14 tỷ đồng.
CMC có gì hấp dẫn?
Cổ phiếu CVT bắt đầu thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường kể từ tháng 10/2020 khi có chuỗi phiên bứt phá. Chẳng hạn, từ ngay 17/11/ - 23/11/2020, CVT tăng trần 5 phiên liên tiếp. Kết thúc phiên 23/11/2020, giá cổ phiếu CVT đạt 39.350 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Thời điểm đó, đà tăng nóng của CVT được xem là xuất phát từ việc Công ty cổ phần Gạch ốp lát Hoà Bình Minh công bố sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu CVT, tương ứng tỷ lệ 17,06% và trở thành cổ đông lớn.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ đông lớn của CVT như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS), các thành viên HĐQT, bao gồm Chủ tịch Dương Quốc Chính đã bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn. Điều này đã khiến giới đầu tư tin rằng Hòa Bình Minh đã cơ bản hoàn tất thương vụ thâu tóm CVT.
Gạch ốp lát Hòa Bình Minh là thành viên của Tổng công ty Hòa Bình Minh, một tập đoàn hoạt động kinh doanh đa ngành, bao gồm vật liệu xây dựng.
Hòa Bình Minh chính thức tham gia phân phối các sản phẩm gạch ốp lát từ năm 2015 với các thương hiệu CMC (của CVT), Viglacera, Prime, Vitto, Hoàng Gia…, đồng thời cho ra mắt bộ sưu tập Sunrise, Vision mang thương hiệu độc quyền Hòa Bình Minh.
Hòa Bình Minh cho biết, sẽ hướng tới mở rộng và phát triển thành chuỗi trung tâm vật liệu xây dựng trong cả nước. Với chiến lược này, không có gì ngạc nhiên khi CVT trở thành mục tiêu được nhắm tới.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cuộc đua sở hữu tại CVT đã tới hồi kết, khi Nhựa Đồng Nai trở thành cổ đông nắm quyền chi phối, đưa CVT thành công ty con. Dù từ ngày 25/3, Nhựa Đồng Nai (DNP) mới thâu tóm xong CVT, nhưng HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới bầu của CMC từ ngày 20/3 đã có 4/7 thành viên là người của DNP.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đức Vũ, Phó chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CMC cho biết, DNP định hướng sẽ đưa CMC thành đơn vị hàng đầu về gạch ốp lát và vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam, cũng như phát triển hoạt động xuất khẩu.
“CMC sẽ tập trung mở rộng công suất hướng tới sản phẩm có lợi thế về công nghệ như gạch granite thấm muối tan, vi tinh cao cấp bao gồm cả xuất khẩu, áp dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả trong quản trị, đầu tư hoặc liên kết đầu tư các dự án cung cấp vật liệu đầu vào để ổn định nguồn nguyên liệu gia tăng biên lợi nhuận”, ông Vũ cho biết.
Trước câu hỏi về nhóm nhà đầu tư khác là Tổng công ty Hoà Bình Minh, liệu có sự mâu thuẫn giữa 2 nhóm cổ đông lớn, ông Vũ cho biết, các cổ đông đều có chung một mục tiêu và tầm nhìn với CMC. Hai cổ đông đều có thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh và phân phối vật liệu xây dựng nói chung và gạch ốp lát nói riêng, nên sẽ đem đến lợi thế rất tốt cho CMC khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một thông tin khác được nhà đầu tư quan tâm là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Nhà máy CMC1. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại CMC 1 hoặc bán chuyển nhượng. Khu đất CMC 1 có diện tích hơn 7,5 ha tại phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, Phú Thọ, được giao cho CVT sử dụng với thời hạn 50 năm.
Một điểm đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của cổ đông lớn Hòa Bình Minh bên cạnh vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy còn có khách sạn, bất động sản. Do đó, không loại trừ yếu tố lô đất CMC 1 đã khiến CVT trở nên hấp dẫn với Hòa Bình Minh.
Về vấn đề này, ông Vũ cho biết: “Nhà máy 1 của CMC đã hoạt động từ lâu và hiện đang hiệu quả. Tuy nhiên, dây chuyền cũng đã đầu tư từ lâu, nếu chuyển đổi được mục đất sử dụng diện tích đất cũng sẽ tạo điều kiện cho CMC nâng cấp nhà máy 1 hiện đại hơn, quy mô hơn”.