Cuộc đua lãi suất tiêu dùng 0%

(ĐTCK) Để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn tiêu dùng, mua, sửa chữa nhà trước bối cảnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm, các ngân hàng đã tung “chiêu” lãi suất 0%.
Cuộc đua lãi suất tiêu dùng 0%

Cuộc đua lãi suất tiêu dùng 0% ảnh 1Không chỉ giảm lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tín chấp

 

VietBank vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà để ở cho cá nhân có nguồn thu nhập ổn định từ lương. Gói thứ nhất: lãi suất 11,5%/năm và cố định kể từ ngày giải ngân cho đến hết ngày 31/12. Sau thời gian này, lãi suất thay đổi 3 tháng/lần theo quy định của VietBank. Gói thứ 2: tháng đầu tiên lãi suất 0%; từ tháng thứ 2, lãi suất 12,56%/năm và cố định trong 11 tháng tiếp theo. Kể từ tháng thứ 13, lãi suất thay đổi theo quy định của VietBank.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, lãi suất 0% (trong tháng đầu tiên) là chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm của NamA Bank, với hy vọng sẽ hỗ trợ cho khách hàng có cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ, sở hữu ngay những mơ ước của mình.

Tại NamA Bank, từ nay đến hết ngày 30/9 có chương trình ưu đãi cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, vay mua xe ô tô, vay mua nhà an cư. Khi vay vốn từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, khách hàng chỉ phải trả lãi suất từ 0 - 10,8%/năm, nhưng chỉ 3 tháng đầu tiên kể từ khi Ngân hàng giải ngân vốn.

Lãi suất vay tiêu dùng tại TienPhong Bank vừa được công bố cũng từ 0%. Tùy từng khoản vay, TienPhong Bank áp dụng mức lãi suất 0% cho những tháng đầu, các tháng sau được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm cộng thêm một mức nhất định. Cụ thể, khi vay mua ô tô và mua tiêu dùng thế chấp bất động sản, lãi suất là 0% trong 3 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng, trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên; lãi suất là 0% trong 1 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng, trị giá dưới 2 tỷ đồng. Riêng đối với cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, TienPhong Bank áp dụng mức lãi suất 10%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn còn được tặng thẻ Visa với hạn mức thấu chi lên tới 50 triệu đồng.

Còn HDBank dành ưu đãi lãi suất 0% trong năm đầu tiên cho khách hàng mua căn hộ thuộc Dự án Dragon Hill Residence and Suites tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Hạn mức cho vay tối đa 70% giá trị căn hộ trong thời hạn 20 năm.

Không chỉ ưu đãi lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo). Ông Nicholas Chee, Giám đốc Khối kinh doanh tiêu dùng MeKong Bank cho biết, hiện Ngân hàng có cung cấp các khoản vay tín chấp, hạn mức tín dụng của khách hàng lên đến 10 lần tiền lương hàng tháng, tối đa là 250 triệu đồng. Lãi suất 16%/năm cho kỳ hạn vay ngắn và 16,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, trung bình khoảng 24 tháng.

ACB cấp giá trị khoản vay tín chấp tiêu dùng lên đến 500 triệu đồng, gấp 15 lần thu nhập hàng tháng, thời gian vay từ 12 - 60 tháng dành cho khách hàng có thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng đối với đối tượng có hộ khẩu tại TP. HCM và Hà Nội, thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng đối với đối tượng có hộ khẩu tại tỉnh, thành khác.

Trên thực tế, lãi suất huy động thấp nhất hiện nay vẫn được các nhà băng áp dụng đụng trần 7%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 8%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng, nên việc đưa ra mức lãi suất cho vay tiêu dùng 0% là khá “sốc”, dù chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, thường là 1 tháng, sau đó nâng dần lãi suất khi hết tháng đầu tiên.

Thực chất, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tại vẫn ở mức khá cao. Lãi suất cho vay tiêu dùng được các ngân hàng quy định biên độ tương đối rộng cho các kỳ hạn dài. Chẳng hạn, tại ANZ, lãi suất từ 20 - 22%/năm cho khoản vay 500 triệu đồng trong thời gian 60 tháng; tại HSBC, lãi suất cũng cao tương tự cho khoản vay 250 triệu đồng. Ở một số ngân hàng thương mại trong nước, lãi suất cho vay tiêu dùng thấp hơn, trên 15%/năm cho khoản vay 500 triệu đồng tại Vietcombank, với kỳ hạn 60 tháng. Còn lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường là lãi suất thỏa thuận và công ty được phép thu các loại phí liên quan, mức lãi suất cộng với phí là trên 30%/năm.

Hiện các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay tiêu dùng ở lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực này chiếm đến 83% trong tổng dư nợ vay tiêu dùng trong năm 2012. Kế đến là cho vay mua ô tô, chiếm 13% và cho vay mua xe máy, đồ điện máy, thẻ tín dụng, chiếm từ 1 - 2%. Lãnh đạo của nhiều ngân hàng chia sẻ, tiến độ giải ngân vốn vay tiêu dùng, mua cũng như sửa chữa nhà trong lúc này còn rất chậm.

Theo giám đối khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng tại TP. HCM, so với trước đây, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đã giảm gần nửa, nhu cầu vay vốn của khách hàng luôn có, song tâm lý họ vẫn còn e ngại chưa muốn vay. Khách hàng cá nhân kỳ vọng lãi suất và cả giá bất động sản giảm thêm mới có kế hoạch vay mua, sửa nhà.

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, với gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân mua nhà trị giá 5.000 tỷ đồng mà Eximbank triển khai cuối năm ngoái, lãi suất 10 - 12%/năm trong 2 năm đầu, đến nay Ngân hàng mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.           

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục