Cuộc đua cải cách điều kiện kinh doanh không phải để lấy thành tích

Ngày 20/3 tới là hạn cuối cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận các ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị quyết 19-2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3, với nhiều mục tiêu cao hơn, tham vọng hơn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Sẽ lại có thêm một phiên bản nữa của Nghị quyết 19 cho năm 2018, phiên bản thứ năm của một nghị quyết thực sự đặc biệt. Nhìn lại 4 năm qua, Nghị quyết 19 đã tạo được những điểm gì đáng kể trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thưa ông?

Điểm lại, Nghị quyết 19 các năm đã tạo ra sự khác biệt rất lớn, thể hiện trên hai điểm.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh Việt Nam được thăng hạng ở tất cả các khía cạnh trên các bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã tăng 14 hạng trên bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, là năm đạt được mức cải thiện lớn nhất trong 10 năm.

Nhưng điểm thứ hai quan trọng hơn, là nâng cao được ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã coi việc này như một công cụ, một động lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông, ý thức, trách nhiệm này thể hiện như thế nào?

Khác với sự thụ động trước đây, hiện tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thuộc thẩm quyền để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có thể nhìn thấy sự thi đua giữa các bộ, bên cạnh các cuộc đua vốn có giữa các địa phương, trong các kết quả cụ thể.

Cuộc đua giữa các bộ, ngành thực sự gay cấn khi phải chịu cả áp lực đánh giá, giám sát thường xuyên, liên tục của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương

Bộ Công thương đã đạt được mục tiêu bãi bỏ hơn một nửa số điều kiện kinh doanh trong ngành. Bộ Xây dựng không chỉ đề xuất phương án bãi bỏ điều kiện kinh doanh, mà còn đề xuất bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố phương án, đề xuất bãi bỏ, nhưng chưa đạt được mục tiêu...

Đặc biệt, cuộc đua giữa các bộ, ngành thực sự gay cấn khi phải chịu cả áp lực đánh giá, giám sát thường xuyên, liên tục của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương.

Vì Nghị quyết 19 xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình để cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nên kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đạt được đều có cơ sở để xem xét, đánh giá thực chất....

Việc thực hiện Nghị quyết 19-2017 vẫn đang tốt, tại sao vẫn cần có phiên bản mới của Nghị quyết này trong năm 2018?

Việc mỗi năm ban hành một phiên bản mới của Nghị quyết 19 là cách để Chính phủ duy trì áp lực và kỷ luật hành chính với các bộ, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh.

Hơn thế, mỗi năm cũng có những bước rút kinh nghiệm trong việc thực hiện, cụ thể hóa hơn các mục tiêu, các nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, địa phương, cũng như cụ thể hóa hơn về các lĩnh vực trọng tâm.

Ví dụ, Nghị quyết 19 năm 2014 không đề cập  việc cải cách toàn diện về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Nội dụng nghị quyết 19 năm 2015 có đề cập, nhưng không rõ ràng các đầu việc cần làm... Các phiên bản nghị quyết 19 của năm 2016 và đặc biệt là năm 2017 mới làm rõ việc phải làm, đặt được mục tiêu cắt bỏ từ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh...

Với kiểm tra chuyên ngành, qua đánh giá thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19-2017 sẽ rõ hơn các công việc cần phải làm hơn. Đặc biệt, là đơn vị được giao soạn thảo dự thảo, chúng tôi cũng đã rà soát, tập hợp được hơn 400 văn bản có liên quan, những nhóm hàng nào thuộc diện nay, bộ nào đang làm, nhóm hàng nào có 3 - 4 bộ cùng kiểm tra... Nhờ đó, dự thảo Nghị quyết 19 -2018 đã đưa ra các mục tiêu sẽ cụ thể, rõ ràng, toàn diện hơn.

Khi đó, mục tiêu của Nghị quyết 19-2018 có thể cao hơn, nhưng các giải pháp sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện hơn, kết quả sẽ thực chất và hiệu lực hơn.

Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết 19-2018 có gì khác biệt so với phiên bản năm 2017, thưa ông?

Dự thảo tập trung vào 3 trọng tâm chính.

Một là, tập trung cải thiện những chỉ số Việt Nam còn ở vị trí thấp, chưa cải thiện nhiều trong năm nay. Đó là các chỉ số về khởi sự kinh doanh, giải quyết phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản.

Hai là, tiếp tục cải thiện điều kiện kinh doanh. Hiện tại, phần công việc này mới đi được khoảng 1/3 quãng đường. Mặc dù hướng đi là đúng, nhưng vẫn còn quãng đường dài.

Ba là, tập trung vào cải thiện các thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Tinh thần của Nghị quyết 19 vẫn được tiếp tục, đó là cuộc đua này không phải giữa ta với ta, mà là giữa ta và các nền kinh tế trên thế giới, nên sẽ không tồn tại cuộc đua để lấy thành tích, cuộc đua trên các bản báo cáo.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục