Cuộc đối đầu Nga - Ukraine: Thắng ba, thua bảy

(ĐTCK) Trước tất cả sự ăn mừng ở Kiev về việc Quốc hội (Rada) phê chuẩn hiệp định thương mại với châu Âu, người Nga có lẽ chỉ cười khẩy, bởi họ hầu như đã đạt được điều mình muốn. Nhưng nụ cười của người Nga cũng không hoàn toàn thanh thản.
Cuộc đối đầu Nga - Ukraine: Thắng ba, thua bảy

Các sử gia sẽ phải đau đầu để đặt ngày cho “cuộc chiến” giữa Nga và Ukraine, bởi nó không có ngày bắt đầu cũng như kết thúc một cách chính thức. Nga chưa bao giờ nhận mình là một bên của cuộc xung đột mà nước này được cho là đã xúi giục và tham gia cả trực tiếp lẫn gián tiếp, nên đã không tổ chức ăn mừng như khi sáp nhập Crimea. Còn Ukraine thì chưa bao giờ tuyên bố chính thức rằng mình bị tấn công, nên cũng không thể thừa nhận là mình chiến bại.

Nhưng điều đó không làm cho thất bại của Ukraine nhỏ hơn thực tế. Sau 6 tháng giao tranh, Ukraine đã mất ít nhất 3.000 người, quyền kiểm soát một dải lãnh thổ dọc biên giới phía Đông, cũng như bị Nga “ép” phải lùi việc thực thi đầy đủ hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Thất bại của Ukraine được che đậy dưới màn ăn mừng ngay sau khi hiệp định thương mại được Quốc hội Ukraine và Nghị viện châu Âu thông qua hôm 16/9. Ông Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraine, gọi đó là thời khắc lịch sử và dẫn lại một điệp khúc trong quốc ca của nước này: “Ukrane chưa chết”. Sau tất cả, đó là quyết định của một cựu tổng thống, ông Viktor Yanukovych, người đã từ chối một dạng tương tự của thỏa thuận một năm trước, dẫn đến cuộc chính biến ở Maidan.

 Ông Petro Poroshenko, Tổng thống thân phương Tây của Ukraine, trưng ra bản Hiệp định EU - Ukraine, ngày 16/9.

Nhưng hiệp định sẽ không được thực thi đầy đủ cho đến ít nhất là cuối năm 2015. Việc tạm dừng này đồng nghĩa cung cấp thêm thời gian cho Ukraine, Nga và EU tìm kiếm một thỏa ước mới. (Trong thời gian chờ, Ukraine sẽ không thể xuất khẩu miễn thuế sang châu Âu, trong khi các hàng hóa châu Âu vẫn phải chịu thuế khi vào Ukraine). Đây chính xác là điều mà Nga đã yêu cầu từ trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà Nga luôn nói là không can dự. Nhiều nhà quan sát Ukraine lo ngại rằng, hiệp định này có thể chỉ là một thứ rỗng tuếch.

Đó là lý do tại sao các quan chức châu Âu tỏ ra thất vọng khi thông tin về sự trì hoãn nổi lên từ cuộc đàm phán 3 bên Ukraine, Nga và EU. “Nó chả khác gì thỏa thuận Munich 1938”, một quan chức nói. Nhưng Ukraine không có nhiều lựa chọn. Nga đã đe dọa sẽ khôi phục lại hoạt động quân sự và bao vây kinh tế toàn diện nếu Ukraine không chịu lùi thời hạn thực thi bản hiệp định. Cụ thể là Nga sẽ tăng quân số ở Crimea và áp dụng các rào cản thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Ukraine sang Nga - hiện cũng đang được hoãn lại chừng nào Ukraine chưa thực thi hiệp định. Đó không chỉ là một thất bại trong vấn đề tự do thương mại với EU, mà còn là sự thất bại về năng lực cải cách và quyền tự quyết tương lai của Ukraine.

Các chính trị gia Ukraine đã cam kết sẽ vẫn tiến hành cải cách nền kinh tế, bất chấp việc trì hoãn hiệp định thương mại với EU, nhưng 23 năm qua họ còn chưa làm được gì huống hồ là bây giờ. Arseniy Yatseniuk, Thủ tướng Ukraine, đổ lỗi cho chiến tranh là nguyên nhân khiến các biện pháp cải cách không được thực hiện trong những tháng qua, nhưng chả có lý gì mà Chính phủ không thể bắt đầu dỡ bỏ các chính sách trợ giá năng lượng gây lãng phí, hay hạn chế tình trạng tham nhũng. Ngay trong cuộc xung đột, một vài đơn vị trong Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn sử dụng các trung gian để thanh toán tiền mua vũ khí cung cấp cho lực lượng tình nguyện của chính họ, theo Zerkalo Nedeli, một tờ tuần báo của Ukraine. Trong khi đó, nhiều công ty tư nhân có công nhân được huy động cho nghĩa vụ quân sự đã mua những chiếc áo chống đạn từ các nhà cung cấp Ukraine, nhưng hóa ra chúng toàn là đồ giả.

Cùng ngày Rada phê chuẩn hiệp định với EU, cơ quan lập pháp này cũng thông qua một đạo luận chấp nhận tình trạng đặc biệt đối với một phần của khu vực Donbas được kiểm soát bởi các phiến quân thân Nga, bao gồm các thành phố Donetsk và Luhansk. Đạo luật đã trao cho các vùng lãnh thổ này quyền tự trị trong 3 năm, bảo đảm quyền nói tiếng Nga và chính quyền tự quản, đồng thời cho phép các khu vực này được thiết lập các quan hệ sâu hơn với Nga - ngoại trừ tư cách ngoại giao và chính sách quốc phòng. Một đạo luật khác đề nghị một chính sách ân xá đối với các chiến binh nổi dậy. Các phụ tá của ông Poroshenko nói rằng, đây là cách duy nhất để tiết kiệm sinh mạng, nhưng nó đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời. “Các chàng trai của chúng ta đã chết cho cái gì? Tại sao chúng ta không tiến hành đàm phán hòa bình ngay từ tháng 5?”, Sergei Taruta, đại diện vùng Donetsk ở chính quyền Kiev, nói.

Không giống như hiệp định thương mại với EU, cuộc bỏ phiếu về tình trạng đặc biệt của một số khu miền Đông Ukraine được tiến hành trong bí mật, cách ly báo chí và danh sách bỏ phiếu được giấu kín để tránh các cáo buộc phản bội. Ngay cả những người ủng hộ ông Poroshenko cũng không được ngó danh sách này. Như Mustafa Nayem, một phóng viên vốn cùng phe với ông Poroshenko, nói: “Việc thông qua những đạo luật quan trọng như vậy mà không tiến hành thảo luận rộng rãi, không kèm theo một lời giải thích với công chúng, là dã man”. Tình trạng đặc biệt có thể làm ngưng xung đột mà không có những đường biên giới rõ ràng nào, và đó là một môi trường lý tưởng cho nạn buôn lậu và trộm cướp.

Ukraine rõ ràng không thể thắng trong cuộc đối đầu với Nga. Nhưng ông Putin cũng đối diện với những giới hạn nhất định. Công chúng Nga không ủng hộ một cuộc chiến thực sự với Ukraine. Việc hy sinh các binh sĩ của chính mình, những người không nhất thiết phải dính líu đến mối quan hệ Nga - Ukraine, đã gây phiền phức cho Kremlin. Và đối với tất cả những kẻ cao ngạo ở Moscow, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy nền kinh tế Nga tiến gần hơn đến suy thoái. Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, đánh giá, nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 5% GDP nếu các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp dụng. Nga đã vừa phải sử dụng đến quỹ dự phòng của mình. Sự căng thẳng đã xuất hiện trong nội bộ những người thân cận với ông Putin.

Cả ông Putin và ông Poroshenko đều có lý do để mong muốn một thỏa thuận ngừng bắn: ông Putin tránh được các biện pháp trừng phạt bổ sung và những câu hỏi từ thân nhân của các binh lính thiệt mạng, còn ông Poroshenko có được sự rảnh rang để tập trung vào cuộc bầu cử nghị viện vào ngày 26/10 tới. Nhưng điều này không có nghĩa là sự kết thúc các vấn đề của Ukraine cũng như chủ nghĩa phiêu lưu của Nga. Mục tiêu của Kremlin không chỉ là kiểm soát hai thành phố miền Đông Ukraine, mà là ngăn chặn tất cả các động thái của Ukraine hướng về phương Tây. Bạo lực có thể trở lại khi các lực lượng nổi dậy cố gắng chiếm thêm lãnh thổ.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là thỏa thuận ngừng bắn mong manh sẽ phải chạy theo những tranh cãi chính trị thường trực ở Kiev và sự mệt mỏi tái diễn ở miền Đông Ukraine. Cách duy nhất để Ukraine có thể thực hiện khát vọng châu Âu của mình là xây dựng một nhà nước cố kết về kinh tế và chính trị. Việc đó đòi hỏi sự kiên nhẫn, tiền bạc và thời gian từ cả phương Tây lẫn Ukraine.

Quang Huy (Theo The Economist)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục