Theo Tạp chí Sunday Times, số lượng những người giàu có nhất nước Anh năm 2015 đã tăng lên gấp đôi trong 10 năm qua. Tờ tạp chí này cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới trong thời gian qua khá ảm đảm, song rất nhiều gương mặt mới với những khoản tài sản kếch xù tiếp tục góp mặt vào danh sách tỷ phú ngày một dài của xứ sở sương mù.
Trong danh sách mới được công bố của Sunday Times, riêng năm 2015, quốc gia này có 117 tỷ phú so với con số 104 năm 2014. Trong số đó, có rất nhiều người năm sau lại giàu có hơn năm trước.
Tuy nhiên, mỗi tỷ phú là một câu chuyện và số phận đặc thù. Có nhiều người giàu lên và cũng có người mất mát. Ông trùm thép Lakshmi Mittal là một trong những người nằm ở chiều tiêu cực mà nguyên nhân không phải là do ông kém tài.
Lakshmi Mittal (sinh ngày 15/6/1950) là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ArcelorMittal (ADR), công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới. Mittal còn là Giám đốc danh dự của Goldman Sachs, EADS và Ngân hàng ICICI, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép thế giới. Mittal sở hữu 38% cổ phần của ArcelorMittal và nắm giữ 34% cổ phần trong Queens Park Rangers FC.
Ông trùm thép có gốc gác từ Ấn Độ này từng được coi là người giàu nhất tại Anh trong nhiều năm liên tiếp. Ông cũng là người giàu thứ hai ở châu Âu và đứng thứ sáu trong top những người giàu nhất trên thế giới do Sunday Times bình chọn vào năm 2011. Tài sản của ông lúc đó ước tính lên tới 31 tỷ USD.
Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trong những năm qua, tài sản của Mittal bị hao hụt mạnh. Đến năm 2014, ông chỉ còn lại 17 tỷ USD và theo Forbes, tính đến thời điểm ngày 20/7/2015, tài sản của Mittal chỉ còn lại 12,5 tỷ USD.
Lakshmi Mittal tốt nghiệp Đại học Calcutta. Cha của ông, Mohan Lal Mittal, là chủ doanh nghiệp thép Nippon Ispat Denro. Năm Mittal 26 tuổi, ông tham gia vào công ty thép của cha. Từ một nhà máy thép nhỏ này, đến nay, tài sản của gia đình ông tại Ấn Độ đã bao gồm thêm một nhà máy cán thép tại Nagpur, một nhà máy thép hợp kim gần Pune và một nhà máy thép tích hợp gần Mumbai.
Tuy thành công trong việc kinh doanh và phát triển sự nghiệp, nhưng không ít lần Mittal vướng vào các vụ kiện tụng do hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng tới môi trường. Năm 2001, một nhà máy thép của Mittal đã buộc phải đóng cửa khi bị cư dân xung quanh kiện do làm ô nhiễm môi trường. Tại tòa án, Mittal đã phải trả 70 triệu bảng Anh để làm sạch lại không khí tại khu vực nhà máy thép này. Mặc dù sau đó sự vụ đã được giải quyết êm đẹp, nhưng cổ phiếu của công ty đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Lakshmi Mittal cũng thường bị chỉ trích vì cuộc sống gia đình quá xa hoa, với những ngôi nhà cực kỳ lộng lẫy. Ông đã mua một cung điện từ năm 2004, với giá 64 triệu bảng Anh (128 triệu USD), vào thời điểm đó, đây được coi là căn nhà đắt tiền nhất thế giới. Căn nhà được trang trí bằng đá cẩm thạch, có 12 phòng ngủ, bể bơi trong nhà, phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và một bãi đậu xe cho 20 chiếc xe. Năm 2005, ông mua tiếp một căn nhà bằng gỗ với giá 30 triệu bảng tại một đường phố đắt nhất của Ấn Độ và xây dựng nó thành một dinh thự rất tráng lệ.
Bên cạnh những dị nghị về cuộc sống xa hoa, Mittal nhận được không ít lời khen ngợi bởi những hoạt động từ thiện của mình. Năm 2008, Mittal đã quyên góp 15 triệu bảng Anh để tài trợ cho trung tâm y tế trẻ em của Bệnh viện Great Ormond Street tại London. Thêm vào đó, ông còn có nhiều đóng góp khác dành cho giáo dục và hỗ trợ người nghèo cả ở Anh và Ấn Độ.
Là một nhà kinh doanh nổi tiếng khôn khéo và nhạy bén, ngoài điều hành công ty thép, Mittal còn là thành viên Ban giám đốc của Goldman Sachs và là thành viên Ban giám đốc của European Aeronautic Denfence and Space Company (EADS). Ông là thành viên của Hội đồng tư vấn toàn cầu của Thủ tướng Ấn Độ cũng như thành viên Hội đồng Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Năm 2006, tờ Financial Times bình bầu ông là "Nhân vật của năm". Năm 2007, Tạp chí Times tiếp tục bình chọn ông nằm trong danh sách "100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới".