Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại tập đoàn sản xuất kẽm lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc chiến giành quyền kiểm soát tại tập đoàn sản xuất kẽm lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với thời hạn quan trọng, và điều này có thể đánh dấu sự khởi đầu cho hồi kết của cuộc đấu đá tranh giành quyền lực tại một đế chế kẽm quy mô 11 tỷ USD.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại tập đoàn sản xuất kẽm lớn nhất thế giới

Korea Zinc - nhà máy luyện kẽm lớn nhất thế giới tính theo sản lượng hàng năm - cũng sản xuất vật liệu pin cần thiết cho các nỗ lực của phương Tây nhằm xây dựng chuỗi cung ứng xe điện ngoài Trung Quốc. Trong bối cảnh bùng nổ cơn sốt trí thông minh nhân tạo khiến ngành bán dẫn trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết thì tầm quan trọng của Korea Zinc cũng được nâng lên và thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Theo phân tích của Bloomberg dựa vào dữ liệu từ công ty tư vấn CRU Group, Korea Zinc kiểm soát khoảng 12% kẽm, 5% chì và khoảng 9% bạc trên thế giới được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

“Trong một thế giới mà chúng ta đang có sự phân khúc địa chính trị, Korea Zinc là nhà cung cấp kẽm lớn nhất cho thị trường ngoài Trung Quốc và cũng là một trong những nhà sản xuất bạc lớn nhất thế giới”, Colin Hamilton, Giám đốc điều hành nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets cho biết.

Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại Korea Zinc đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước. Ngay cả khi Hàn Quốc là một quốc gia có nhiều tập đoàn lớn với các cuộc chiến thừa kế diễn ra thường xuyên, thì cũng có rất ít người liên quan đến các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân bước vào cuộc chiến để chống lại những cái tên giàu có trong giới thượng lưu.

Michael Byung Ju Kim - được biết đến là "cha đỡ đầu của vốn cổ phần tư nhân châu Á" - đang dẫn đầu một nỗ lực thâu tóm nhằm vào chủ tịch của Korea Zinc Choi Yun-beom. Công ty của ông là MBK Partners có trụ sở tại Seoul.

Tranh chấp giành quyền kiểm soát

Các nhà đầu tư của Korea Zinc sẽ có thời hạn đến hết thứ Hai (14/10) để quyết định có chấp nhận lời đề nghị mua lại với giá 830.000 won/cổ phiếu từ cổ đông lớn nhất của Korea Zinc là Young Poong Corp. và công ty cổ phần tư nhân MBK Partners hay không.

Trong khi đó, Chủ tịch Korea Zinc, Choi Yoon-beom - người đang bảo vệ quyền quản lý của mình trước cuộc tấn công của Young Poong và MBK Partners - đã tăng giá chào mua cổ phiếu quỹ từ 830.000 won lên 890.000 won và tăng giá chào mua cho Young Poong Precision từ 30.000 won lên 35.000 won.

Vì MBK Partners đã tuyên bố vào ngày 9/10 rằng "chúng tôi sẽ không tăng giá chào mua nữa", nên giá đề xuất cuối cùng của cả hai bên là 830.000 won so với 890.000 won cho Korea Zinc và 30.000 won so với 35.000 won cho Young Poong Precision.

Cuối cùng, chỉ còn lại sự lựa chọn của các nhà đầu tư liên quan đến những mức giá này. Cả hai bên đã luân phiên tăng giá chào mua kể từ khi tranh chấp quyền lực bắt đầu.

Young Poong Precision nắm giữ 1,85% cổ phần của Korea Zinc, khiến công ty này trở thành một trong những chiến trường quan trọng trong tranh chấp quản lý Korea Zinc. Nếu liên minh Young Poong-MBK đảm bảo được quyền quản lý của Young Poong Precision, về cơ bản họ sẽ tước đi 1,85% cổ phần của phía Chủ tịch Choi tại Korea Zinc. Đây là lý do tại sao phía Chủ tịch Choi đã tăng giá chào mua của Young Poong Precision thêm 5.000 won vào phút chót.

Ảnh hưởng vượt xa Hàn Quốc

Korea Zinc kiểm soát khoảng 12% sản lượng kẽm tinh chế bên ngoài Trung Quốc, khiến công ty trở thành một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp kim loại chuyển đổi năng lượng. Kẽm được sử dụng để mạ kẽm thép và làm lớp phủ chống gỉ trên các tấm pin mặt trời và tua bin gió, và kim loại này cũng là một lựa chọn thay thế cho lithium cho pin.

Trong khi các cuộc tranh chấp công khai gay gắt giữa các tập đoàn do gia đình kiểm soát là một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Hàn Quốc, thì ít có vụ việc nào liên quan đến các công ty cổ phần tư nhân lớn.

“MBK đang theo đuổi những công ty do gia đình kiểm soát này, những công ty đang phải đối mặt với nguy cơ đấu đá quản lý, khiến họ phải luôn cảnh giác”, Park Ju-gun, Giám đốc công ty nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index tại Seoul cho biết.

Câu chuyện xoay quanh những bất đồng về định hướng của công ty và vai trò mà công ty có thể đóng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, khiến chủ tịch Choi của Korea Zinc, cháu trai của một trong những người sáng lập, và Young Poong bất hòa.

Trong khi đó, Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) đã gọi cuộc chiến này là “quá nóng” và đe dọa sẽ trừng phạt bất kỳ ai tham gia vào các hoạt động giao dịch không công bằng để tác động đến giá cổ phiếu.

FSS đã công bố vào tuần trước rằng họ sẽ điều tra cuộc chiến khốc liệt giành quyền kiểm soát tại Korea Zinc. Cuộc điều tra sẽ tập trung vào các hành động bất hợp pháp có thể xảy ra của ban quản lý Korea Zinc và những đối thủ cạnh tranh, công ty cổ phần tư nhân MBK Partners và cổ đông lớn nhất của Korea Zinc, Young Poong Corp.

FSS đã tiến hành điều tra do lo ngại rằng giá cổ phiếu của Korea Zinc tăng mạnh trong cuộc chiến thâu tóm có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho các cổ đông khi thị trường điều chỉnh. Bằng cách can thiệp, cơ quan quản lý này muốn duy trì tính toàn vẹn của thị trường và bảo vệ giá trị cổ đông khỏi sự biến động do các nỗ lực thâu tóm gây ra.

Nếu FSS phát hiện MBK Partners và Young Poong tham gia vào các hoạt động giao dịch không công bằng, cơ quan này có thể gửi đi thông điệp mạnh mẽ phản đối các vụ thâu tóm do vốn tư nhân dẫn đầu tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Điều này có thể ngăn cản các vụ thâu tóm vốn tư nhân trong tương lai ở Hàn Quốc. Mặc dù điều này sẽ bảo vệ các công ty khỏi các vụ mua lại mạnh mẽ, nhưng nó cũng có thể làm giảm hoạt động đầu tư, vì các công ty vốn tư nhân có thể ngần ngại tham gia vào các giao dịch nếu họ sợ bị giám sát quá mức theo quy định.

Cuộc điều tra của FSS có thể tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn cung kẽm và các vật liệu khác ổn định. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động của Korea Zinc, cho dù là do sự bất ổn trong quản lý hay sự can thiệp của cơ quan quản lý, đều có thể làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Hàn Quốc nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin cùng chuyên mục