Trong quá khứ, khi giá trị vốn hóa trên thị trường còn nhỏ, lượng cổ phiếu niêm yết chỉ khoảng vài chục, những hành vi mua bán của các tổ chức đầu tư lớn rất dễ nhận biết. Trong tình hình hiện nay, với hơn 150 công ty niêm yết trên HOSE thì việc nhận biết những động thái mua vào, bán ra của họ là khá khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nhận biết.
Diễn biến giao dịch trong những phiên vừa qua cho thấy, mức 500 - 550 điểm là một mức kháng cự khá mạnh. Hơn chục phiên với giá trị giao dịch trên dưới 1.000 tỷ đồng/phiên cũng cho thấy, tại mức ngưỡng này, lượng cổ phiếu bán ra không chỉ là những cổ phiếu tồn đọng trước đây (bán ra để giải tỏa thua lỗ), mà còn một khối lượng cổ phiếu của các tổ chức đầu tư lớn tham ra bán ra để thu lợi nhuận. Vì vậy, thị trường đã có những giao dịch khớp lệnh đột biến so với những phiên trước đó, tạo nên những phiên có tính thanh khoản cao. Lượng cổ phiếu trao tay rất lớn này đi cùng với sự xuất hiện của một lượng cầu tăng đột biến. Lượng cầu lớn cho thấy sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn, chứ lượng tiền của các NĐT cá nhân riêng lẻ chưa thể đổ vào một cách nhanh chóng như vậy.
Theo quy luật cung - cầu, nếu khối lượng giao dịch tăng tỷ lệ thuận với quá trình lên giá thì sự vượt ngưỡng là khá chắc chắn và xu thế lên giá sẽ hình thành. Với một khối lượng khớp lệnh cực lớn, liên tục kéo dài trong quá trình lên điểm vừa qua của VN-Index cho thấy, xu thế lên giá trên thị trường đã thiết lập. Nhưng trên thực tế, trong những phiên điều chỉnh xuống giá (bắt đầu từ ngày 27/8), người ta lại cảm thấy có một cái gì đó không bình thường trong các hành vi mua bán cổ phiếu.
Trước đây, trong thời điểm lên giá, ở một số cổ phiếu blue-chip như DPM, HPG, STB, PPC,VNM… thường có một khối lượng lớn được đặt mua ngay những phút giao dịch đầu phiên, tạo dây chuyền về mặt tâm lý cho các NĐT mua theo để kéo giá lên, ngay cả những phiên mà thông tin về tình hình kinh tế nói chung không tốt. Hiện nay, khi thị trường chạm mức ngưỡng nhất định thì những hành vi bán ra cổ phiếu cũng có những biểu hiện không bình thường như vậy. Tại một số cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn, thường tác động đến VN-Index, một lượng bán ra lớn ngay từ đầu phiên tạo phản ứng dây chuyền kéo theo các NĐT bán ra, cố tình kéo giá xuống. Trong quá khứ, việc đấu giá tại các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ có thể chỉ là của một vài tổ chức. Nhưng hiện nay, số lượng các tổ chức tham gia vào các cuộc đấu giá như vậy là khá lớn. Một cuộc đấu giá giữa bên mua bên bán tạo xu thế mới khá quyết liệt và diễn ra không chỉ giữa các phiên, mà ngay trong một phiên cũng đã thể hiện điều đó. Phiên giao dịch ngày 4/9 thể hiện khá rõ sự giằng co này. Cuộc đấu giá càng quyết liệt bao nhiêu thì khối lượng khớp lệnh càng lớn bấy nhiêu.
Vì sao trên thị trường thường có những cuộc đấu giá như vậy? Có thể lý giải như sau: Một số tổ chức đầu tư sau khi mua vào cổ phiếu từ mức VN-Index 366 điểm, đến 500 điểm họ đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng nhất định (có thể 30 - 40%) và họ bán ra cổ phiếu, bởi họ cho là thị trường khó thể vượt qua ngưỡng này do tình hình kinh tế nói chung chưa thực sự khả quan và do lượng cầu chưa đủ mạnh để bứt phá ngưỡng. Nhưng những phiên tăng điểm liên tục sẽ là một cái đà cho một đợt rớt giá, có thể tạo xoay chiều đổi hướng xu thế. Chính vì vậy, sau khi giải tỏa một khối lượng cổ phiếu ở mức giá cao, lúc VN-Index 540 - 560 điểm, số cổ phiếu còn lại họ sẽ bán theo phương cách làm sao cho thị trường rớt điểm càng sâu càng tốt. Đây sẽ là cơ hội cho những NĐT lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường. Với một thị trường lên xuống thất thường như TTCK Việt Nam, cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế và doanh nghiệp, nhiều tổ chức đầu tư cho rằng, họ không thể chỉ đầu tư dài hạn, mà cần phải có những cuộc lướt sóng để tìm kiếm lợi nhuận cho quỹ và tổ chức đầu tư.
Tuy nhiên, một số tổ chức khác lại cho rằng, nếu thị trường vượt qua mức ngưỡng 500 - 540 điểm thì xu thế mới, xu thế lên giá sẽ được thiết lập vững chắc, nên họ bắt đầu đổ tiền mua vào. Và thực tế, khi thị trường vượt qua mức ngưỡng này, không chỉ các NĐT cá nhân, mà hàng loạt các tổ chức bắt đầu vào cuộc, mua vào cổ phiếu. Một lượng tiền khổng lồ đã được đổ vào thị trường, gây sự ngạc nhiên không ít cho giới phân tích. Nhiều người cho rằng, có thể đó là của các NĐT cá nhân, nhưng trên thực tế, lượng tài khoản mở thêm tại các CTCK là không nhiều và sự e dè sau đợt thua lỗ những tháng đầu năm 2008 vẫn là tâm lý chung trên thị trường. Trong khi đó, các tổ chức khi đã mua vào tại mức ngưỡng này thì không có lý do gì họ lại muốn để cho thị trường rớt trở lại một lần nữa. Vì vậy, bằng mọi cách họ sẽ phải mua cho hết để thị trường vượt ngưỡng và tiếp tục lên giá.
Việc nhìn nhận, đánh giá ngược chiều giữa các tổ chức đầu tư lớn tại mức ngưỡng này đã tạo nên một cuộc đấu giá khá quyết liệt. Việc mua vào, bán ra của họ thể hiện tính chuyên nghiệp từ việc chọn thời điểm, lựa thông tin, mua bán thế nào để tạo phản ứng dây chuyền tâm lý… TTCK Việt Nam thực sự trở đã thành sân chơi của giới đầu tư chuyên nghiệp. Nếu nhìn ở góc độ luật pháp, một số hành động mua bán cổ phiếu đó có thể coi là hành vi thao túng thị trường.
Cho đến nay, cuộc đấu giá nói trên vẫn chưa phân thắng bại. Một khối lượng cổ phiếu trao tay khổng lồ giữa bên mua và bên bán đã diễn ra. Chỉ cần bên bán kéo được những phiên đi xuống nhiều hơn là có thể thay đổi được quy luật mua bán, thị trường sẽ đổi chiều xu thế. Chỉ cần bên mua làm cho VN-Index dừng lại, đẩy cổ phiếu lên giá là có thế giữ được xu thế hiện tại. Sự thắng bại của cuộc đấu giá này không chỉ là tính chuyên nghiệp, mà còn ở tiềm lực về tiền bạc, về cổ phiếu của mỗi bên mạnh đến đâu. Các NĐT hãy chờ xem.