Thị trường bất động sản đang chứng kiến những bước chuyển quan trọng. Điều này tác động thế nào đến các thành viên, thưa ông?
Những thay đổi theo hướng siết chặt hơn với hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ đầu tư hay đơn vị phân phối là điều không có gì khó hiểu khi thị trường bước vào giai đoạn phát triển và bền vững.
Xét trong câu chuyện của các luật mới, quy định càng rõ ràng, càng minh bạch, càng chặt chẽ thì thực tế lại càng có lợi, đặc biệt với những doanh nghiệp xác định làm thật, gắn bó với nghề. Chủ đầu tư sẽ bớt tình trạng “tay không bắt giặc”, trong khi các đơn vị phân phối buộc phải nâng chuẩn chất lượng hoạt động của mình theo hướng chuyên nghiệp hơn khi các yêu cầu của khách hàng ngày một khắt khe hơn.
Áp lực là có bởi luật mới ra mình sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ hơn, sát sườn hơn để tránh vướng vào những vi phạm không đáng có, nhưng chiều ngược lại sẽ tốt hơn bởi khi hiểu sâu về các quy định mới thì mới có thể tư vấn cho khách hàng chuẩn chỉ, giữ được niềm tin vào những sản phẩm mà mình phân phối.
Ông có thể nói rõ hơn về áp lực này?
Nhiều năm nay, ngoài việc các công ty môi giới bất động sản, sàn, thì có nhiều người dân tự do hoạt động kinh doanh mua bán, môi giới trong lĩnh vực bất động sản. Điều này tạo nên một thị trường khá sôi động, nhưng cũng chính vì chưa được quy củ, tuân thủ theo một quy tắc nhất định nên có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với tình trạng “cò đất” địa phương làm giá, nâng giá, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Do đó, theo tôi, các nhân viên dù có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề. Thứ nhất là tuân thủ quy định của pháp luật, thứ hai người có chứng chỉ hành nghề được đào tạo bài bản, hiểu rõ luật và phải chịu trách nhiệm với những gì mình tư vấn, bán hàng cho khách hàng… Bên cạnh đó, những người có chứng chỉ hành nghề sẽ hoạt động rõ ràng hơn, góp phần xây dựng thị trường bất động sản cạnh tranh minh bạch.
Quay trở lại thị trường, điều gì ông thấy tích cực nhất thời gian gần đây?
Tác động từ chính sách vào tháo gỡ những khó khăn của thị trường còn cần thời gian để thẩm thấu, nhưng hiệu ứng tâm lý lan tỏa là đã rất rõ ràng. Giai đoạn vừa qua qua những làn sóng vào chung cư, vào đất nền và cả phân khúc biệt thự, liền kề có thể phản ánh rõ điều đó.
Lượng giao dịch ghi nhận trong 7 tháng đầu năm của chúng tôi tăng ghi nhận sự tích cực rất rõ ràng. Với những sản phẩm có tiềm năng, pháp lý được đảm bảo phân phối, họ cảm thấy yên tâm và tin tưởng vào cơ hội kiếm lợi của mình trong tương lai. Đấy là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay với việc nguồn cung vẫn còn tương đối hạn chế nên họ chưa thể khiến họ sẵn sàng mở rộng hầu bao nhiều hơn.
Theo ông, phân khúc nào nhận được sự quan tâm nhiều nhất vào thời điểm hiện tại?
Các dự báo về nguồn cung chung cư tại Thủ đô từ nay tới cuối năm 2024 có thể đạt trên 10.000 căn, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó càng làm gia tăng giá trị của căn hộ chung cư và là cơ sở để đánh giá phân khúc này tiếp tục “cầm cờ” trong thời gian tới. Ví dụ, tại Hà Nội, dân số tăng trung bình 160.000 người/năm, nên để đảm bảo nhu cầu nhà ở thì cần 50.000-70.000 căn hộ, thế nhưng giai đoạn 2025-2026 đều dưới 47.000 căn.
Đối với phân khúc đất nền, trong 6 tháng đầu năm 2024, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch đất nền trong quý II/2024 ở các đô thị lớn và vùng ven ghi nhận có sự “tăng nhiệt” cả về số lượng và giá cả, một số khu vực ghi nhận tăng cao nhất trên 20%. Một số địa phương như trục Hà Nội - Bắc Giang (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang), Hà Nội - Quảng Ninh (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) có ưu điểm là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tốt, dân số đông, thu nhập cao nên thị trường sẽ hồi phục sớm hơn.