Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp thép nội "nóng" hơn bao giờ hết

Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã trở nên nóng hơn sau khi Bộ Công thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
4 doanh nghiệp lớn trong ngành thép đang đòi tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thép dài. Ảnh: Đức Thanh 4 doanh nghiệp lớn trong ngành thép đang đòi tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thép dài. Ảnh: Đức Thanh

Thuế nhập khẩu kẻ đòi tăng

Vào ngày 25/12/2015, Bộ Công thương đã ra quyết định 14296/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, dựa trên đề nghị của 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý.

Theo đó, 4 doanh nghiệp đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời đề nghị trước khi ra quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ sẽ áp dụng mức thuế tạm thời như trên trong thời gian 200 ngày.

4 doanh nghiệp này hiện chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước và 34,2% với thép dài. Tỷ trọng này cũng đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đại diện (25% tổng sản lượng hàng hoá tương tự sản xuất trong nước) theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10. Thời gian được đề xuất để điều tra, xác định thiệt hại sẽ diễn ra từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/9/2015.

CTCP Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, CTCP Gang thép Thái Nguyên và CTCP Thép Việt Ý đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp này đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu của phôi thép và thép dài. Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466.817 tấn năm 2012 lên 1,502 triệu tấn vào năm 2015. Với thép dài, từ 387.470 tấn năm 2012 đã tăng lên 1,215 triệu tấn năm 2015.

Sự gia tăng của thép nhập khẩu đã khiến hệ số sử dụng công suất của ngành trong năm 2015 đều giảm với cả phôi thép và thép dài. Cụ thể, công suất sử dụng dây chuyền phôi thép giảm xuống còn 40-50% và của thép dài chỉ còn ở mức 50-55%, gây ra suy giảm thị phần nghiêm trọng của phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.

Sự có mặt của phôi thép và thép dài nhập khẩu cũng khiến tồn kho của ngành sản xuất trong nước gia tăng đột biến qua các năm từ 2012 - 2015, đặc biệt mức tồn kho năm 2015 tăng tới 70% so với năm 2014. Lợi nhuận của sản xuất phôi thép và thép dài trong nước cũng vì thế bị ảnh hưởng và giảm mạnh.

Người bảo đừng

Khoảng 2 tuần, kể từ khi Bộ Công thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép gồm Công ty cổ phần thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, Công ty cổ phần thép Việt Đức, Công ty cổ phần BCH đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Cục Quản lý cạnh tranh, đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép cho rằng, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép.    

Lý giải cho đề nghị này, các doanh nghiệp phản đối cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015.

Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép. Đây được xem là hệ luỵ của việc nhiều địa phương đua nhau làm thép, lắp đặt dư thừa công suất gấp 2-3 lần nhu cầu, trong khi nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, năng suất lao động không cao, kỹ năng quản lý kém, khiến sản phẩm kém sức cạnh tranh.

Điều khiến các doanh nghiệp ở phía phản đối băn khoăn là ai sẽ là người được hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ.“Thuế suất nhập khẩu phôi thép là 9% vào cuối năm 2015, nếu được tăng lên 45% sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo.

Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường”, đại diện các doanh nghiệp này nhận xét. Đồng thời, họ cho rằng, Tập đoàn Hoà Phát, một trong 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất thé. Ngược lại, lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm.

Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép.

“Nhiều doanh nghiệp thép vẫn đang phải nhập khẩu các loại phôi trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, chất lượng chưa ổn định, vì thế nếu phôi thép nhập khẩu bị gia tăng chi phí do thuế nhập khẩu tăng vì áp dụng biện pháp tự vệ sẽ khiến giá thép thành phẩm tăng theo và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi”, một doanh nghiệp trong số này cho hay.

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục