Cuộc chiến của những yếu tố vĩ mô

(ĐTCK-online) Đối với TTCK lúc này, một, hai, hay thậm chí là cả tuần tăng điểm liên tiếp cũng không có quá nhiều ý nghĩa để nói về một xu thế. Không thể cứ ngày hôm nay Index tăng điểm là chúng ta hoàn toàn bỏ quên những tin xấu hoặc cứ ngày mai Index đảo chiều là lại lo một lượng nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường.
Đa số nhà đầu tư mất tiền chỉ vì chạy theo những biểu hiện nhất thời của thị trường.

Trải qua 2 ngày nghỉ cuối tuần với những tin tức vĩ mô không mấy thuận lợi như việc công bố thông tin giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ thấp so với đăng ký, tốc độ huy động vốn bằng VND tại các ngân hàng đang tăng chậm lại... Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đưa tin quốc tế cũng không mấy sáng sủa khi Ngân hàng Lehman Brothers phá sản, Merill Lynch thuộc về Bank of America, AIG đang nguy ngập… Thế nhưng, khác hẳn với những dự đoán của nhiều người tuần trước, thứ Hai tuần này, TTCK Việt Nam đã có 1 phiên tăng điểm nhẹ, mang lại màu xanh hy vọng cho rất nhiều NĐT.

Thông tin về giá dầu thô giảm mạnh được công bố, nhưng hoàn toàn không giống như trước đây khi các nền kinh tế phát triển đều mong muốn điều này để giảm chi phí sản xuất và coi đó là một thông tin cực tốt, giờ đây sự đi xuống của giá dầu ẩn chứa nhiều bất ổn về nền kinh tế toàn cầu. Có thể nói, liên tiếp những tin tức xấu đã làm nhuộm đỏ các sàn chứng khoán thế giới.

Nhưng một lần nữa, TTCK Việt Nam lại một mình đi ngược lại xu thế chung với những diễn biến đầy kịch tính. Hẳn nhiều NĐT cho rằng, sự đi lên tức thời của TTCK phiên thứ Hai mang nặng tính tâm lý hoặc do một "thế lực" nào đó đứng sau, vì nó đi ngược lại với phản ứng tự vệ thường tình của con người, để rồi “rớt” mạnh trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, là NĐT, chúng ta hãy cùng nhìn lại những gì TTCK đã và đang trải qua để tự tìm hướng đầu tư hiệu quả cho mình.

Việc Index giảm điểm 6 phiên liên tiếp, từ  ngày 5 - 12/9, được coi là có sự đóng góp rất lớn của cụm từ "tín dụng bất động sản". Thành phần tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất là đầu cơ bất động sản thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay. Nếu khoản vay này quá mức, chỉ cần một biến động không thuận lợi trên thị trường này thì những nhà đầu cơ sẽ là người chịu trận trước tiên, kéo theo đó là hiệu ứng dây chuyền lên toàn bộ hệ thống ngân hàng… Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng hiện chỉ chiếm 9% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống. Một số ngân hàng đã giảm mức dư nợ cho vay bất động sản xuống dưới 10%. Như vậy, vấn đề này rõ ràng không ảnh hưởng đến thị trường "kinh khủng" như một số NĐT nghi ngại.

Sự giảm giá của dầu thô cũng không hoàn toàn là mối đe dọa, thực tế nó vẫn sẽ tiếp tục phát huy vai trò là công cụ kiềm chế lạm phát hiệu quả, giảm chi phí, kích thích nền kinh tế phát triển. Nó cũng có tác động tích cực tới chỉ số giá tiêu dùng. Chưa đến 10 ngày nữa, cơ quan chức năng sẽ công bố chỉ số này của tháng 9, có thể nhiều NĐT sẽ đón đầu thông tin bằng việc mua trước chứng khoán. Mặt khác, hệ thống ngân hàng của chúng ta đã chứng tỏ được sức chống chịu nhất định của mình sau cơn sốt bất động sản, tăng lãi suất mới đây… Trong khi đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước vẫn đang ngày càng phát huy hiệu quả.

"Cuộc chiến" giữa các yếu tố vĩ mô vẫn tiếp diễn để xác lập một xu thế dài hạn cho TTCK. Người viết bài này không muốn áp đặt những ý kiến chủ quan của mình vào bài viết, bởi đơn giản, mỗi NĐT đều có những nghiên cứu, dự đoán riêng. Nhưng cần phải nêu lên một thực tế rằng, đa số chúng ta mất tiền chỉ vì chúng ta đã từ bỏ chính kiến của mình quá sớm để chạy theo những biểu hiện nhất thời của thị trường.        

Hoàng Oanh
Hoàng Oanh

Tin cùng chuyên mục