Cuộc chiến của hai loài bò sát nguy hiểm nhất thế giới: Rồng Komodo và rắn hổ mang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rồng Komodo và rắn hổ mang đều là những kẻ săn mồi nguy hiểm trong thế giới tự nhiên nhờ sức mạnh vượt trội và khả năng dùng độc điêu luyện.
Cuộc chiến của hai loài bò sát nguy hiểm nhất thế giới: Rồng Komodo và rắn hổ mang

Rồng Komodo là loài thằn lằn khổng lồ sinh sống trên các đảo ở Indonesia, gồm Komodo, Rinca, Flores và Gili Motang. Chúng thuộc họ Varanidae, là thành viên của chi kỳ đà, và là loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại, với chiều dài tối đa lên đến 3 m, nặng khoảng 70 kg.

Hiện nay, loài thằn lằn khổng lồ này chỉ được tìm thấy trên đảo Komodo xa xôi và một số hòn đảo lân cận ở phía Đông Indonesia.

Người châu Âu không phát hiện ra sự tồn tại của rồng Komodo cho đến năm 1910. Lúc đầu, người ta nghĩ nó là "cá sấu cạn", có người còn tưởng nó là khủng long sống nên mới đặt tên là rồng Komodo.

Đòn tấn công vật lý mạnh nhất của rồng Komodo là miệng - đầy những chiếc răng sắc nhọn. Nó có hơn 60 chiếc răng, dài khoảng 2,5 cm, hình móc câu, có răng cưa ở bên trong, có thể xé da của con mồi và gây ra những vết thương giống như vết rách. Ngoài ra, răng của rồng Komodo được thay mới thường xuyên, vì vậy chúng có thể vẫn sắc bén mà không lo bị mòn - khác với rắn và cá sấu, vì vậy một số người còn đặt cho nó biệt danh là "cá mập đất".

Trong họ nhà thằn lằn, rồng Komodo cũng là loài có tốc độ nhanh nhất lên tới 20 km/h khi chạy.

Tuy nhiên cách thức săn mồi của rồng Komodo mới là điều khiến các nhà nghiên cứu phải tranh cãi. Trong hàng thập kỷ trước, các nhà khoa học tin rằng những vết cắn của rồng Komodo sẽ khiến con mồi phải gục ngã vì nhiễm trùng bởi chất bẩn và vi khuẩn chứa trong nước bọt của kẻ đi săn.

Đến năm 2005, điều bí ấn này mới được giải mã. Thì ra cũng giống như họ hàng thằn lằn, rồng Komodo cũng sở hữu nọc độc riêng của nó.

Chất độc này sẽ ngăn chặn không cho con mồi còn khả năng đông máu, gây tê liệt thần kinh khiến con mồi nhanh chóng mất máu và shock rồi chết. Điều này giúp rồng Komodo không cần mất công truy đuổi nhiều, vừa giảm rủi ro và cũng vừa đỡ tốn thể lực.

Cùng trong họ bò sát và sử dụng độc còn phải nhắc đến một sát thủ "máu mặt" khác, đó là rắn hổ mang.

Rắn hổ mang chủ yếu được tìm thấy ở miền nam châu Phi, Đông Nam Á. Ở Nam Phi, chúng thường được thấy ở các đồng cỏ và khu vực bán sa mạc khô cằn. Ở Đông Nam Á, chúng thường được thấy trong các khu rừng, ruộng, đồng cỏ và thậm chí là ở gần khu định cư của con người.

Điểm dễ nhận dạng nhất chính là phần cơ thể có thể nâng lên vuông góc với mặt đất và phần cổ phình to ra khi chúng cảm thấy bị nguy hiểm.

Chi rắn hổ mang khá thanh mảnh cùng chiều dài đa dạng, kích thước khác nhau. Chúng có thể đạt chiều dài lên đến 2 m thậm chí có loài dài hơn 3m. Và phân chi Boulengerina thường có kích thước lớn nhất, sinh sống ở những cánh rừng châu Phi. Mỗi khi bị đe dọa, cơ thể chúng vươn cao lên và phần da cổ phình to nhằm mục đích cảnh báo kẻ thù nếu như cảm thấy có sự đe dọa.

Đa phần những loài rắn này thường có rất nhiều cách để tấn công và tiêm chất độc vào nạn nhân. Chúng thường sử dụng dùng răng nanh để cắn đối phương và qua đó tiêm chất độc qua răng nanh đi vào vết thương, xâm nhập vào đường máu. Một số ít như rắn hổ phì thường sử dụng cách phun nọc độc ra phía trước khoang miệng để đe dọa và tấn công kẻ thù.

Theo các nhà khoa học, trong cuộc chiến giữa hai loài bò sát này, có vẻ như lợi thế hơi nghiêng một chút về phía rồng Komodo bởi sức mạnh, lớp da dày và khả năng chống độc. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rắn hổ mang lại được đánh giá cao ở tốc độ di chuyển, sự nhanh nhẹn so với sự chậm chạp, "nặng mông" của đối thủ.

Qui ÁNh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục