Cuộc chạy đua 90 ngày của các công ty Mỹ để mua hàng Trung Quốc

(ĐTCK) Thuế quan cao ngất ngưởng đã giáng đòn mạnh vào thương mại Mỹ-Trung Quốc và sau đó quyết định tạm hoãn thuế cũng gây ra sự phản ứng mạnh mẽ. Các công ty trên khắp Mỹ đang chạy đua để đặt lại đơn hàng đã hủy và đặt chỗ trên tàu container để đưa sản phẩm từ Trung Quốc đến Mỹ trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc vào tháng 8.

Trong tuần 12/5 tới 19/5, sau khi quyết định tạm hoãn những mức thuế quan cao ngất ngưởng được công bố, lượng đặt hàng container từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng gấp đôi so với tuần trước đó khi việc tạm hoãn thuế quan đã giải phóng một làn sóng nhu cầu bị dồn nén. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi container Vizion và nhà cung cấp dữ liệu Dun & Bradstreet, lượng đặt container tăng vọt lên tương đương khoảng 2,2 triệu TEU, mức chưa từng thấy trong hơn một năm.

Lượng đặt chỗ tàu container hàng tuần từ Trung Quốc đến Mỹ

Các giám đốc điều hành, chuyên gia hậu cần và nhà phân tích đang thận trọng về mức độ phục hồi. Họ cho biết vẫn còn quá nhiều bất ổn về chính sách thuế quan và sức khỏe của nền kinh tế do người tiêu dùng thúc đẩy của Mỹ để thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ trong các đơn đặt hàng mới.

Gene Seroka, Giám đốc điều hành của Cảng Los Angeles cho biết đầu tháng này rằng, ông không dự đoán sẽ có sự gia tăng lớn về lượng hàng nhập khẩu sau khi thuế được dỡ bỏ. Dữ liệu của Vizion cho thấy lượng đặt hàng container trong tuần 19/5 tới 26/5 đã giảm xuống mức tương đương khoảng 1,4 triệu TEU.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang hoan nghênh bất kỳ sự gia tăng nào trong hoạt động sau khi mức thuế quan cao làm đóng băng các đơn đặt hàng và dừng sản xuất. Lisa Wang, nhân viên tại một nhà sản xuất hàng dệt may ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc cho biết việc tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đã giúp ích rất nhiều cho công ty. Công ty đã có thể vận chuyển khoảng một chục container các đơn hàng bị trì hoãn trước đó. Khách hàng cũng đang đặt một số đơn hàng mới.

Các giám đốc điều hành trong lĩnh vực vận tải ở Châu Á cho biết một vấn đề thách thức đối với các nhà nhập khẩu là không có đủ tàu để vận chuyển hàng hóa đến Mỹ ngay lập tức. Các hãng vận tải đã chuyển hướng một số tàu thường vận chuyển hàng hóa đến Bờ Tây Mỹ từ Trung Quốc sang các tuyến đường bận rộn khác khi mức thuế quan làm ảnh hưởng đến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Một số hãng vận tải đã thay thế các tàu container lớn nhất bằng các tàu nhỏ hơn, trong khi những hãng khác đã hủy hoàn toàn một số chuyến đi theo lịch trình.

Chỉ số giá container vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải

Hiện tại, giá cước vận tải đang tăng lên khi các nhà nhập khẩu cạnh tranh để giành không gian khi các hãng vận tải vội vã đưa tàu trở lại. Chỉ số giá container để vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải của Sàn giao dịch vận tải Thượng Hải đã tăng 10% trong tuần bắt đầu từ ngày 12/5 tới 19/5, so với tuần trước đó.

"90 ngày tới sẽ khá hỗn loạn", một giám đốc điều hành hậu cần cấp cao tại châu Á cho biết, vì sẽ mất nhiều tuần để đưa các tàu đã định tuyến quay trở về.

Nhưng đối với nhiều ngành công nghiệp, 90 ngày là không đủ dài để đặt hàng, sản xuất và vận chuyển sản phẩm qua Thái Bình Dương.

Vincent Ambrose, Giám đốc thương mại của FranklinWH Energy Storage, công ty sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng tại nhà ở California và Thâm Quyến cho biết thời gian hoãn thuế 90 ngày không đủ dài để tăng thêm hàng tồn kho, vì sản xuất và giao hàng thường mất khoảng 12 tuần. Ngay cả khi có thể, ông cho biết mình không thể cạnh tranh với Amazon, Apple và Walmart về không gian khan hiếm trên các tàu container đến Mỹ.

Các giám đốc điều hành trong ngành cũng cho biết mức thuế 30% vẫn đủ cao để kìm hãm hoạt động thương mại, mặc dù không nghiêm trọng bằng mức thuế 145%. Một số sản phẩm từ Trung Quốc phải chịu mức thuế cao hơn mức cơ sở 30% do các khoản thuế trước đó, khiến các quốc gia khác vẫn hấp dẫn hơn đối với hoạt động sản xuất.

"Đúng là có sự hoãn thuế. Liệu điều đó có đột nhiên dẫn đến khối lượng lớn không? Tôi thực sự nghi ngờ điều đó", Niels Rasmussen, chuyên gia phân tích vận chuyển tại BIMCO cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục