Cuộc cách mạng trong quy hoạch

Sau khi thông qua Luật Quy hoạch, Quốc hội đã ban hành Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung tổng cộng 48 luật có liên quan đến quy hoạch. “Đây là một cuộc cách mạng trong quy hoạch”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội..

Các chuyên gia xây dựng, đô thị, kiến trúc… và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bộ mặt của rất nhiều đô thị đã bị “băm nát” do không có Luật Quy hoạch. Ông có đồng ý với nhận định này?

Tôi cho rằng, nhận định đó không sai. Đi dọc các con đường quốc lộ, tỉnh lộ và phố xá ở khắp các đô thị Việt Nam, điều dễ nhận thấy là nhiều nơi sau khi đường được cải tạo, nâng cấp, người dân phải bắc thang để leo xuống nhà, tầng một nhà dân bị biến thành tầng hầm bất đắc dĩ.

Đáng tiếc là nhiều khu đô thị trước kia rộng thoáng, nhưng nay đã bị phá vỡ kết cấu, điển hình như Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội và thứ hai ở Việt Nam (sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM), khu đô thị này đã từng được nhận nhiều giải thưởng về kiến trúc, do được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên.

Nhưng bây giờ, khu đô thị Linh Đàm thì sao? Quy hoạch ban đầu đã bị phá vỡ khi nhà cao tầng “chen vai thích cánh”; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân do mật độ dân số quá đông.

Diện tích đất trồng cây xanh, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí của người dân phải nhường chỗ cho chung cư, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu… đã biến khu đô thị Linh Đàm từ một “nơi đáng sống” trở thành khu đô thị kiểu gì đó rất khó nói.

Như vậy, do thiếu quy hoạch, nhiều đô thị và khu đô thị bị băm nát, cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất nhiều người dân bị thiệt hại về tài chính vì phải bỏ tiền ra sửa nhà.

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV về vấn đề đường cao hơn nhà, nhà biến thành hầm, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, nguyên nhân là do quy định cốt nền các công trình xây dựng trong khu đô thị theo Luật Xây dựng không phù hợp với cốt nền đường và mong người dân thông cảm. Ông nghĩ sao về điều này?

Vấn đề không phải là mong người dân thông cảm hay nhận trách nhiệm khi các cơ quan quản lý nhà nước làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, hoạt động kinh doanh, buôn bán mưu sinh, tài sản của người dân, mà làm sao phải chấm dứt được tình trạng này.

Luật Quy hoạch và 48 luật sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch chính là giải pháp căn cơ để xử lý triệt để bất cập này và hàng loạt bất cập khác liên quan đến quy hoạch.

Chính vì vậy, Luật Quy hoạch và việc sửa đổi 48 luật liên quan đến quy hoạch được coi là cuộc cách mạng khi thay đổi phương thức quản lý nhà nước, đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đa ngành, chấm dứt tình trạng ngành nào quy hoạch biết ngành nấy, khiến nhà dân biến thành hầm hoặc phải bắc thang mới vào được nhà, chấm dứt tình trạng khu đô thị không có trường học, trạm y tế, thiếu nước, mất điện.

Có thể hình dung tích hợp quy hoạch thế nào, thưa ông?

Căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất chung của cả nước được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành nghị quyết quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương dựa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất là nền tảng, từ đó tính ra với tốc độ đô thị hóa thế này thì trong tương lai sẽ có bao nhiêu dân số. Với quy mô dân số thế này thì cần bao nhiêu diện tích nhà ở, bao nhiêu diện tích dành cho công viên, cây xanh, đường giao thông, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bãi đỗ xe… Với từng đó dân thì hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải, hệ thống cấp điện chiếu sáng công cộng, cấp điện sinh hoạt cho người dân và các cơ quan công sở thế nào.

Tất cả các lĩnh vực này các ngành tự làm quy hoạch và tích hợp lên quy hoạch sử dụng đất. Nói nôm na là các bản quy hoạch vẽ trên tờ giấy can trong suốt và được chồng lên bản quy hoạch sử dụng đất. Khi chồng lên nhau nếu chỗ nào chồng lấn thì phải điều chỉnh lại để không xảy ra tình trạng chung cư thương mại chiếm diện tích đường giao thông, công viên, cây xanh, bệnh viện, trường học… Quy hoạch tích hợp này được gọi là quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh không giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học hay tình trạng mất điện, thiếu nước sinh hoạt… mà quy định với bằng này dân thì phải sử dụng bao nhiêu diện tích dành cho trường học, bệnh viện, cây xanh, đường giao thông; cốt đường, vỉa hè, cốt nhà dân, công sở cao bao nhiêu, không ai được vi phạm, sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay, kể cả tình trạng đường cao hơn nhà sau khi nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, thưa ông, quy hoạch vẫn có thể thay đổi?

Tôi cho rằng, nếu thấy rõ lợi hại thì những người muốn điều chỉnh quy hoạch sẽ rút lại ý định. Ví dụ với diện tích đất 20 ha được quy hoạch cho 10.000 dân, các doanh nghiệp bất động sản đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch tăng lên 12.000 - 15.000 dân để họ xây chung cư bán kiếm lời.

Đề nghị là việc của họ, nhưng ngành cấp thoát nước bảo với đường ống 600 milimet chỉ có khả năng cung ứng 2.000 m3/ngày đêm, nên không thể đáp ứng cho nhu cầu cho trên 10.000 dân, doanh nghiệp nào muốn xây thêm chung cư thì tự đi làm đường nước. Ngành điện bảo, với đường dây thế này chỉ đáp ứng được cho 10.000 dân, doanh nghiệp nào muốn xây thêm chung cư thì tự đi kéo đường điện. Ngành giáo dục bảo họ không có tiền và cũng không có đất để xây dựng hay mở rộng cơ sở giáo dục.

Các ngành khác cũng hành động như vậy, vì không có lý do gì họ phải bỏ tiền đầu tư, trong khi lợi nhuận người khác được hưởng.

Câu hỏi đặt ra là có doanh nghiệp bất động sản nào dám đề nghị điều chỉnh quy hoạch để nâng quy mô dân số không. Tôi cam đoan là không, vì họ không thể tự đầu tư vào hệ thống cấp - thoát nước, đường điện, xây trường học. Và nếu chung cư thiếu nước sạch sinh hoạt, thừa nước thải vệ sinh, điện đóm phập phù, không có chỗ cho học sinh cả mẫu giáo lẫn tiểu học, thì không người dân nào bỏ tiền ra mua.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục