“Cuộc cách mạng” trong đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Việc cắt giảm mạnh số lượng dự án đầu tư công trong một kỳ trung hạn chính là một “cuộc cách mạng” lớn.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ siết đầu tư công hơn nữa, tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ siết đầu tư công hơn nữa, tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm

Mục tiêu là chỉ đầu tư 5.000 dự án từ ngân sách trung ương

Con số cuối cùng sẽ được “chốt” sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định xong và trình Chính phủ cho ý kiến, để báo cáo Quốc hội khóa mới thông qua, song chắc chắn, sẽ có một “cuộc cách mạng” trong đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, khi mà số dự án đầu tư trong kỳ sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đã chỉ đạo rằng, mục tiêu là tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án.

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 có tới 22.000 dự án đầu tư công, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm chỉ còn 11.000 dự án. Vị Tổng tư lệnh chịu trách nhiệm “thiết kế” kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cũng đã nói, đây chính là “một cuộc cách mạng lớn” của cả nhiệm kỳ vừa qua và sẽ được tiếp tục trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đề xuất ban đầu, trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, số vốn đầu tư 2,75 triệu tỷ đồng sẽ được dành cho khoảng 6.440 dự án. Trong đó, có 206 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, 57 nhiệm vụ quy hoạch, 2.880 dự án chuyển tiếp, 3.304 dự án khởi công mới, bằng 78,5% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

Con số trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là đã giảm một nửa so với giai đoạn trước. Tuy vậy, dường như Thủ tướng Chính phủ còn muốn “siết” đầu tư công hơn nữa, tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng cũng chỉ đạo, phải kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới.

Thực tế, trong số 11.000 dự án trong kỳ trung hạn 2016 - 2020 (có 5.271 dự án chuyển tiếp, 4.208 dự án mới), dù đã giảm một nửa so với giai đoạn trước, nhưng cũng chỉ có 7.354 dự án hoàn thành, bằng 66,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn. Tỷ lệ này đã cao so với các giai đoạn trước đó, cho thấy việc đầu tư đã hiệu quả hơn, giảm bớt tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, song rõ ràng, việc còn tới hơn 3.000 dự án chưa thể hoàn thành cũng cho thấy những bất cập của đầu tư công giai đoạn trước.

Lý giải cho tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến nhiều nguyên nhân, bao gồm cả các vấn đề thể chế, về giải phóng mặt bằng, về các yếu tố chủ quan như sự thiếu quyết liệt của một số địa phương, song cũng có nguyên nhân từ việc chưa cân đối đủ vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, ngân sách trung ương phần vốn trong nước chỉ đạt 637.089 tỷ đồng, thấp hơn tổng mức kế hoạch được giao là 130.755 tỷ đồng.

Bài toán khó: rà soát, lựa chọn dự án cho kế hoạch trung hạn

Con số 2,75 triệu tỷ đồng của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 dù đã tăng 37,5% so với giai đoạn 2016 - 2020, song cũng chỉ bằng 70,5% nhu cầu đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, địa phương là rất lớn.

Nguồn lực có hạn, trong khi yêu cầu của Chính phủ là đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, do vậy việc lựa chọn, quyết định đầu tư dự án nào trong giai đoạn 2021 - 2025 là không đơn giản. Nhiệm vụ tổng hợp, thẩm định dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư càng không dễ khi mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. Con số đề xuất ban đầu là hơn 6.440 dự án, trong khi yêu cầu là cắt giảm còn 5.000 dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, phải kiên quyết cắt bỏ những Dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các Dự án khởi công mới.

Thực tế, các dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này được xác định khá rõ ràng. Đó là giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; đến năm 2025, hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân... Chưa kể, còn sẽ hỗ trợ vốn để hoàn thành 84 dự án kết nối liên vùng, dự án lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Những dự án trên dự kiến “ngốn” một số tiền không nhỏ trong tổng ngân khoản 2,75 triệu tỷ đồng. Số vốn còn lại không còn nhiều, buộc các bộ, ngành, địa phương phải cân nhắc các dự án ưu tiên còn lại.

Trong khi đó, ban đầu, nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất đầu tư quá nhiều dự án mới, mà chưa đảm bảo bố trí đủ cho dự án chuyển tiếp; thậm chí còn phê duyệt dự án vượt quá số vốn theo quy định… Chẳng hạn, Bộ Công an đề xuất 94 dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 191 dự án, Bộ Tư pháp là 152 dự án… Con số này ở Đắk Nông là 37 dự án; Gia Lai 37 dự án; Hòa Bình là 42 dự án…

Tuy nhiên, thông tin tại cuộc họp Chính phủ sáng 24/5 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, cắt giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Con số còn lại hiện là 5.397 dự án và sẽ tiếp tục được rà soát, cắt giảm làm sao còn khoảng 5.000 dự án, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một điểm đáng chú ý khác vừa được cập nhật, đó là tổng mức vốn ngân sách thuộc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, số tăng thêm này là từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.

Đây là tin đáng mừng. Tuy vậy, phía trước sẽ còn là một cuộc rà soát quyết liệt và cần mạnh tay hơn nữa để “trảm” dự án chưa cần thiết và kém hiệu quả.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục