“Cuộc cách mạng” tài chính
Xét về bối cảnh phát triển và tiến trình của ngân hàng mở trong suốt gần một thập kỷ qua, có thể khẳng định rằng, đây không chỉ là một công nghệ mới, mà còn là một sự thay đổi sâu sắc trong bản chất của dịch vụ tài chính. Nó đề xuất một thế giới mà ở đó, các ngân hàng không còn lưu trữ dữ liệu của khách hàng, thay vào đó là đóng vai trò nền tảng cho sự đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, chính sự đổi mới này cũng chứa đựng nhiều thách thức cùng những câu hỏi lớn: Liệu chúng ta có sẵn sàng để mở cửa cho một hệ thống tài chính hoàn toàn mới, trong đó các tổ chức tài chính chúng ta tin tưởng sẽ chia sẻ dữ liệu của mình với một hệ sinh thái phức tạp hơn nhiều? Liệu sự tiện lợi mà hệ thống này mang lại có thực sự đáng tin cậy và những rủi ro tiềm ẩn có thể khiến chúng ta nghi ngờ về nền tảng của nó? Liệu khách hàng có thật sự hưởng lợi từ ngân hàng mở, hay nó chỉ là một hình thức mới của các cấu trúc quyền lực cũ?
|
Ông Samir Dixit, Giám đốc Toàn cầu, ACORN Management Consulting Pte. Ltd |
Mặc dù câu trả lời cho những câu hỏi trên còn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ngân hàng mở đang tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với các cơ quan quản lý và các ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng nhỏ.
Khi nhìn từ góc độ của khách hàng, mặc dù ngân hàng mở mang đến những hứa hẹn lớn, nhưng nó cũng mở ra nhiều thách thức và rủi ro mà người tiêu dùng phải đối mặt. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của ngân hàng mở là niềm tin. Khách hàng phải tin tưởng vào các ngân hàng trong việc chia sẻ dữ liệu của họ một cách an toàn và tin tưởng vào các bên thứ ba trong việc sử dụng dữ liệu đó một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, những vụ vi phạm bảo mật và việc lạm dụng dữ liệu vẫn diễn ra thường xuyên. Ví dụ, vụ rò rỉ dữ liệu của Experian vào năm 2020 đã làm lộ thông tin tài chính của hàng triệu người dùng. Nếu những tổ chức có hệ thống bảo mật mạnh mẽ như vậy còn có thể bị xâm phạm, thì liệu các tổ chức nhỏ hơn và ít được quản lý chặt chẽ hơn có thể bảo vệ dữ liệu khách hàng như thế nào?
Thêm vào đó, dù lý thuyết cho rằng, khách hàng có quyền quyết định ai được phép truy cập dữ liệu và trong thời gian bao lâu, nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu rõ những hệ quả khi đồng ý chia sẻ dữ liệu. Các điều khoản dịch vụ thường khó hiểu và việc hủy bỏ sự đồng ý là một quy trình phức tạp, khiến khách hàng dễ bị lợi dụng.
Dữ liệu là “con dao 2 lưỡi”, nó có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng cũng có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng. Khi các thuật toán sử dụng lịch sử tài chính của bạn để phân loại bạn theo những cách mà bạn không thể thấy hay phản đối, một vết nhơ trong hồ sơ tài chính của bạn có thể đóng lại nhiều cơ hội, thay vì mở ra.
Vậy tại sao các quy định lại chưa thể theo kịp sự phát triển của ngân hàng mở? Phần lớn các khuôn khổ quy định về ngân hàng mở, chẳng hạn Chỉ thị về dịch vụ thanh toán thứ hai (PSD2) của Liên minh châu Âu (EU) hay Quyền dữ liệu người tiêu dùng của Úc chủ yếu tập trung vào việc tuân thủ của các tổ chức tài chính, thay vì trao quyền cho người tiêu dùng. Điều này tạo ra một khoảng trống trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Các vấn đề then chốt có thể kể đến là quyền sở hữu dữ liệu, các tiêu chuẩn bảo mật không đồng nhất và sự thiếu hụt trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Nếu không có những chiến lược giáo dục và chính sách bảo vệ rõ ràng, khách hàng sẽ khó lòng tham gia một cách tự tin vào hệ sinh thái ngân hàng mở.
|
Mô hình ngân hàng mở đang được thúc đẩy tại Việt Nam |
Một mảnh ghép cơ hội đầy hứa hẹn
Trong khu vực ASEAN, ngân hàng mở mang một đặc điểm rất riêng, được hình thành bởi các mức độ phát triển tài chính khác nhau ở mỗi quốc gia. Từ các trung tâm tài chính tiên tiến như Singapore đến các quốc gia có tỷ lệ tiếp cận ngân hàng thấp như Campuchia hay Myanmar, tác động của ngân hàng mở có thể được phân tích qua nhiều tầng lớp khác nhau.
Ở những quốc gia như Lào, Campuchia và Myanmar, nơi mà việc tiếp cận ngân hàng truyền thống còn hạn chế, ngân hàng mở có thể trở thành một yếu tố “chuyển mình” đáng kể. Với khả năng hỗ trợ các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) như ví điện tử hay cho vay vi mô, ngân hàng mở có tiềm năng làm “bình đẳng hóa” quyền tiếp cận tài chính. Tuy nhiên, hạ tầng số yếu kém và khung pháp lý chưa vững chắc là những thách thức lớn đối với các quốc gia này.
Còn tại các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Philippines, nơi mà các dịch vụ thanh toán số và Fintech đang phát triển nhanh chóng, mặc dù hệ thống ngân hàng còn nhiều phân mảnh, nhưng ngân hàng mở có thể đóng vai trò như một lực lượng thống nhất, kết nối các hệ sinh thái tài chính khác nhau và tạo ra các hệ thống tài chính hiệu quả hơn.
Tại các thị trường như Thái Lan và Malaysia, nơi các hệ thống ngân hàng đã phát triển, ngân hàng mở thúc đẩy sự cạnh tranh, khuyến khích các ngân hàng đổi mới và giảm chi phí. Những quốc gia này có thể là các thử nghiệm lý tưởng cho các giải pháp Fintech tiên tiến.
Đối với những nền kinh tế đã phát triển và hội nhập như Singapore, ngân hàng mở không chỉ tạo cơ hội để tối ưu hóa các giao dịch thanh toán xuyên biên giới, mà còn hỗ trợ thúc đẩy quan hệ kinh tế khu vực. Singapore - với chính sách tiên tiến từ Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS), đã trở thành “người tiên phong” trong ASEAN về ngân hàng mở. Tuy nhiên, sự thành công của Singapore có thể chỉ là một mô hình mẫu, không phải là lời đảm bảo cho thành công ở các quốc gia khác trong khu vực.
Mặc dù Singapore đã triển khai các sáng kiến ngân hàng mở từ năm 2016, sau 8 năm, tỷ lệ tham gia của các tổ chức tài chính đạt khoảng 75%, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng tham gia chưa cao tương ứng, mới khoảng 50%. Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở Singapore, mà còn ở các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tại Nhật Bản, mặc dù pháp luật nước này yêu cầu các ngân hàng phải áp dụng các chuẩn giao diện lập trình ứng dụng (API) từ năm 2020, nhưng mới có 60% ngân hàng tuân thủ và tỷ lệ khách hàng tham gia mới đạt 25%. Sự chậm trễ trong việc áp dụng ngân hàng mở ở các quốc gia này có thể giải thích bởi sự dè dặt trong việc chia sẻ dữ liệu khách hàng với các bên thứ ba, sự thiếu thốn về lợi ích cụ thể và thiếu phổ cập cho người tiêu dùng về các dịch vụ này.
Việt Nam - với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và hệ sinh thái Fintech năng động, có tiềm năng lớn để khai thác lợi ích của ngân hàng mở. Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức: Hệ sinh thái tài chính còn phân mảnh, thiếu các chuẩn API thống nhất, điều này gây ra sự không hiệu quả trong việc kết nối các hệ thống; thiếu niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật dữ liệu, đây sẽ là một trong những trở ngại lớn đối với việc áp dụng rộng rãi ngân hàng mở. Bên cạnh đó, các chính sách hiện hành tuy hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chưa thực sự giải quyết được các vấn đề phức tạp của ngân hàng mở.
Tương lai của ngân hàng mở tại Việt Nam: Câu hỏi về sự cân bằng
Cuộc cách mạng” ngân hàng mở đang diễn ra, nhưng hình dạng cuối cùng của nó sẽ phụ thuộc vào những câu hỏi mà chúng ta dám đặt ra và những câu trả lời mà chúng ta đủ can đảm để tìm ra.
Việt Nam có thể học hỏi từ 2 quốc gia đi đầu trong việc triển khai ngân hàng mở là Anh và Singapore.
Tại Anh, quốc gia này đã thiết lập cơ chế đồng ý của khách hàng tập trung và các chuẩn API vững chắc, tạo ra một mô hình chuẩn mực về ngân hàng mở. Còn tại Singapore, cơ chế “regulatory sandbox” của MAS đã tạo ra một môi trường kiểm soát cho sự đổi mới, giảm thiểu rủi ro, đồng thời khuyến khích thử nghiệm.
Để ngân hàng mở phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là phổ cập người tiêu dùng. Cần có các chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để giúp công chúng hiểu rõ về lợi ích cũng như rủi ro của ngân hàng mở. Nếu không có một chiến lược phổ cập toàn diện, mọi nỗ lực triển khai ngân hàng mở đều có thể gặp phải sự trì trệ hoặc thất bại. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sự hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng sẽ giúp xây dựng lòng tin và đẩy nhanh sự tham gia của người tiêu dùng. Một yếu tố khác không thể thiếu là việc chuẩn hóa các API để đảm bảo sự tương thích và an toàn cho hệ sinh thái ngân hàng mở. Ngoài ra, cần củng cố các quy định bảo vệ dữ liệu, đảm bảo quyền sở hữu và sự đồng ý của người tiêu dùng đối với việc chia sẻ dữ liệu. Đây là vấn đề thường bị bỏ qua, nhưng lại là yếu tố quyết định đến sự thành công của ngân hàng mở.
Tương lai của ngân hàng mở tại Việt Nam sẽ là một câu hỏi về sự “cân bằng” giữa việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro. Ngân hàng mở không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ, mà còn là một sự thay đổi triết lý trong cách chúng ta nhìn nhận các dịch vụ tài chính. Mặc dù tiềm năng của ngân hàng mở trong việc trao quyền cho khách hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính là điều không thể phủ nhận, nhưng những rủi ro tiềm ẩn như vi phạm quyền riêng tư, khai thác khách hàng và sự suy giảm năng lực tài chính của người tiêu dùng đòi hỏi sự cảnh giác.
Khi ngân hàng mở tiếp tục phát triển, câu hỏi không phải là liệu nó có thành công hay không, mà là có thể thành công theo cách thực sự phục vụ bên yếu thế nhất: Khách hàng. Đối với các quốc gia như Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung, thách thức nằm ở việc áp dụng các khuôn khổ để vừa bảo vệ sự đổi mới, vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo rằng ngân hàng mở không chỉ là một cuộc cách mạng, mà là một cuộc cách mạng đúng đắn.
Cuộc cách mạng này đang diễn ra, nhưng hình dạng cuối cùng của nó sẽ phụ thuộc vào những câu hỏi mà chúng ta dám đặt ra và những câu trả lời mà chúng ta đủ can đảm để tìm ra. Liệu chúng ta đã sẵn sàng để yêu cầu các tổ chức phải chịu trách nhiệm và chúng ta có chuẩn bị đòi hỏi các hệ thống đặt con người lên trên lợi nhuận? Tương lai của ngân hàng mở sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta trả lời những thách thức này ngay hôm nay.