Những bước đột phá lớn về tư duy đang mở rộng cánh cửa đối với mọi thành phần kinh tế và đưa Việt Nam đến gần nhất với nền kinh tế thị trường.
Trước cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ đi theo nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hội nhập trên toàn cầu đang ngày một mạnh mẽ, không quốc gia nào đứng ngoài và Việt Nam sẽ hội nhập mạnh hơn vào kinh tế toàn cầu.
“Chúng ta phải chấp nhận cuộc cạnh tranh. Việt Nam phải đổi mới toàn bộ để chiến thắng”, Bộ trưởng Vinh nói.
Ở cấp độ các nhà tạo lập chính sách, một cuộc cách mạng trong tư duy về thể chế kinh tế đã được thực hiện. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một loạt bộ luật khác đã và đang được sửa đổi để tương thích với cuộc chơi mới. Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không làm được, theo Bộ trưởng Vinh, tư tưởng mới này đang được triển khai quyết liệt trong cả những lĩnh vực vốn lâu nay chỉ ngỡ dành độc quyền cho DNNN.
Đơn cử, Nghị định 15/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015 (có hiệu lực ngày 10/4/2015) đã mở rộng cửa cho phép NĐT nước ngoài và NĐT tư nhân trong nước tham gia đầu tư hạ tầng, chuyển đầu tư từ ngân sách nhà nước sang đầu tư tư nhân. Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án hiệu quả và nhà đầu tư tư nhân quản lý tốt hơn DNNN.
Ở cấp độ doanh nghiệp, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ thất bại.
“Bất kể là doanh nghiệp tư nhân, nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì đều có vai trò quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam. Và đến bây giờ, tôi có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng, là động lực của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Vinh nói. Đây chính là lực lượng tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nhờ tính hiệu quả và năng động. Hay nói cách khác, muốn kinh tế Việt Nam cạnh tranh được thì lực lượng doanh nghiệp tư nhân phải mạnh.
Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu vừa qua, giới đầu tư nước ngoài chia sẻ quan điểm rằng, cổ phần hóa, tư nhân hóa các DNNN và thoái vốn trong những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ sẽ tạo ra những doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong tất cả các lĩnh vực. Cải cách DNNN thành công cũng sẽ góp phần tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
“Trong kỳ họp Chính phủ trước, một quan điểm đã được đồng thuận là thực hiện cổ phần hóa năm 2015 chậm, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực. Không phải vì số lượng ít, không đạt mục tiêu đề ra, mà quan trọng hơn là tỷ trọng cổ phần hóa. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ bán được 5 - 7%, không thay đổi được quản trị doanh nghiệp. Phải để NĐT bên ngoài nắm tỷ trọng chi phối thì mới thay đổi được quản trị, chiến lược phát triển”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Vinh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: “30 năm trước, khi nước ta bắt đầu cải cách, chúng ta thường sử dụng cụm từ nền kinh tế nhiều thành phần, thực chất là kinh tế thị trường; sau này, chúng ta mới chính thức dùng từ kinh tế thị trường trong các văn kiện của Đại hội Đảng. Nhưng tại thời điểm hiện nay, kinh tế tư nhân mới chính là từ khóa, chính là sự thay đổi nhất của tư duy.
Ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta đều có thể thấy được bức tranh tương phản của các nền kinh tế chú trọng về kinh tế tư nhân và các nền kinh tế chú trọng kinh tế nhà nước. Nhưng nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận kinh tế tư nhân mới chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển lại chính là kinh tế tư nhân”.