Theo Giáo sư Gordon Flake, Giám đốc điều hành của Trung tâm Perth USAsia tại University of Western Australia, nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát một hoặc cả Thượng viện và Hạ viện trong Quốc hội, họ có thể ngăn cản nghiêm trọng khả năng của chính quyền Tổng thống Joe Biden - vốn được xem là thân thiện với các quốc gia đồng minh và thân thiện với châu Á hơn - trong việc thúc đẩy luật pháp.
Hơn nữa, vì điều này sẽ làm suy yếu cơ hội của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, các đồng minh ở châu Á có thể nghi ngờ về quan hệ đối tác ngoại giao và kinh tế trong hai năm tới khi chờ cuộc bỏ phiếu.
“Đối mặt với những sóng gió kinh tế và đối mặt với một môi trường toàn cầu rất khó khăn, nếu như có sự chia rẽ chính trị thực sự trong hai năm tới, điều đó thực sự sẽ khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á ngày càng lo lắng về hướng đi tương lai của Mỹ sau năm 2024”, Giáo sư Gordon Flake cho biết.
Giáo sư Gordon Flake cho biết, nhiệm kỳ tổng thống gần đây nhất của Đảng Cộng hòa dưới thời ông Donald Trump từ năm 2017 đến năm 2021 có một cách thức rất khác so với chính sách ngoại giao ủng hộ đồng minh.
Dưới chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại và đầu tư toàn cầu, đáng chú ý nhất là việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức và khiến thỏa thuận này tan vỡ.
Khi Đảng Dân chủ nắm quyền Quốc hội và Nhà Trắng vào năm 2020, đã có một chút khởi sắc trở lại bình thường về các mối quan hệ quốc tế và liên minh của Mỹ về mặt chính sách đối ngoại.
Ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty Tư vấn McLarty Associates cho biết, một chiến thắng giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng hòa sẽ lại phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, và có thể dẫn tới sự không tin tưởng vào tính chắc chắn của các hiệp định thương mại.
Đảng Dân chủ hiện đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện với đa số mỏng, và việc mất một trong hai viện sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của họ trong việc ban hành và ảnh hưởng tới tính quyết định của hầu hết các đạo luật trong hai năm tới.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trên toàn quốc về hiệu quả trong năng lực điều hành của tổng thống. Về mặt lịch sử, đảng của tổng thống có xu hướng hoạt động kém và mất vị thế trong thời gian giữa nhiệm kỳ do sự thất vọng của cử tri với các vấn đề hiện tại.
Dữ liệu thăm dò gần đây từ các cơ quan truyền thông Mỹ cho thấy, chính quyền Tổng thống Biden khó có thể chống lại xu hướng đó. Xếp hạng không đồng ý đối với Tổng thống Biden đang ở mức cao trong các vấn đề bao gồm nền kinh tế, lạm phát và chính sách đối ngoại. Trung bình 67,4% trong số những người được hỏi cảm thấy rằng đất nước đang "đi sai hướng".
“Hiện tại, có vẻ như các cử tri đang tập trung hơn vào lạm phát, kinh tế, nhập cư và tội phạm, và đây là những vấn đề có lợi cho đảng Cộng hòa. Họ không tập trung vào các vấn đề có lợi cho đảng Dân chủ như chăm sóc sức khỏe và kiểm soát súng”, ông Steven Okun cho biết.
Trong khi đó, việc giành được ghế tại Thượng viện có thể đặt nền tảng vững chắc để cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử vào năm 2024.
“Nếu các ứng cử viên được lựa chọn kỹ càng giành được những ghế đó, điều đó sẽ mang lại cho ông Trump nhiều quyền lực hơn trong Đảng Cộng hòa so với những gì ông ấy có. Nếu ông ấy vượt lên dẫn đầu, điều đó khiến ông ấy trở thành một ứng cử viên mạnh mẽ hơn nhiều khi bước vào năm 2024”, ông Steven Okun cho biết.
Ông Steven Okun cho biết, sự trở lại của ông Trump, hoặc một tổng thống với tư tưởng "nước Mỹ trên hết" trong Nhà Trắng sẽ là tin xấu đối với châu Á, vì điều này sẽ chứng kiến sự lặp lại các chính sách ủng hộ đồng minh trong tình trạng lấp lửng.
“Các đồng minh làm việc với Mỹ chẳng hạn như Singapore và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) sẽ biến mất dưới thời ông Donald Trump”, ông Steven Okun cho biết.
“Vì vậy, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này rất quan trọng, đây có lẽ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng nhất mà Mỹ từng có dưới góc độ chính sách đối ngoại”, ông cho biết thêm.