Cung tiền quá lớn, tăng trưởng không theo kịp

TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế ủng hộ quan điểm siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ do áp lực lạm phát đang rất lớn.
TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế.

Với kết quả kinh tế quý III/2018, theo ông, năm nay các chỉ tiêu kinh tế của cả nước có đạt được không?

Tôi nghĩ là sẽ đạt được hết. Các con số mới nhất mà Tổng cục thống kê đưa ra về kinh tế quý III là rất khả quan.

Vậy vấn đề đáng lo nhất của nền kinh tế hiện nay là gì, thưa ông? 

Đó chính là sức ép lạm phát, không chỉ năm nay mà còn năm sau. Một trong những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát là giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu là mặt hàng tác động trực tiếp đến tiêu dùng hàng ngày, vừa làm tăng giá các loại hàng hóa khác.

Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng gây áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, USD tăng giá mạnh cũng khiến Việt Nam phải “nhập khẩu lạm phát” vì giá hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Ngoài lý do xăng dầu và USD, còn rất nhiều yếu tố tác động tới lạm phát thời gian tới như: giá lương thực thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu dùng cao hơn khi kinnh tế phục hồi; Việt Nam đang trong lộ trình gỡ bỏ quản lý các mặt hàng dịch vụ công như y tế, giao dục… Năm nay, lạm phát có thể giữ được mục tiêu 4% nhưng từ năm sau, kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn, nhất là khi tăng kịch trần thuế quản lý môi trường với xăng dầu.

Vậy ông có khuyến nghị gì về mặt chính sách trong bối cảnh hiện nay?

Theo tôi, lúc này điều hành chính sách tiền tệ phải rất thận trọng, nhất là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, kiểm soát cung tiền. Năm nay không cần thúc đẩy tăng tín dụng, cung tiền lên 15 hay 16% như những năm trước mà nên kiểm soát tín dụng ở mức khoảng 10% để phòng ngừa lạm phát.

Tại thời điểm này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm có khả năng đạt được nên không cần lo lắng về tăng trưởng nữa, trọng tâm chính sách phải hướng về chống lạm phát. Nếu để lạm phát xảy ra, việc chống đỡ sẽ rất vất vả so với phòng ngừa.

Nếu khi đó chúng ta mới thắt chặt tiền tệ thì cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Bởi thông thường, muốn chống lạm phát, lãi suất phải tăng mạnh. Điều này sẽ giết chết doanh nghiệp, giảm tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ cung tiền hiện nay có đáng lo không, thưa ông?  

Tốc độ tăng trưởng cung tiền của Việt Nam là rất lớn. Trước đây chúng ta tăng trưởng tín dụng hàng năm trên 20%, hiện nay giảm còn 15-17%. Tuy nhiên, chỉ cần mỗi  năm tín dụng tăng 16% thì 5 năm sau cung tiền tăng gấp đôi rồi.

Tốc độ cung tiền tăng nhanh trong khi tăng trưởng kinh tế không thể theo kịp, dẫn đến giá cả tăng, lạm phát tăng. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần thận trọng hơn, hướng tới tăng trưởng bền vững, bớt dựa vào tín dụng. 

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục