Cung chờ trực, Cầu ở đâu?

(ĐTCK-online) Điều hành quan hệ cung cầu nhanh, hợp lý, thị trường không những phát triển mạnh, hạn chế rủi ro mà còn kiểm soát được đầu cơ. Đây vấn đề căn bản, nhưng TTCK Việt Nam vẫn cứ loay hoay chưa giải được bài toán này. Mới đây nhất, UBCK đã có Tờ trình lên Bộ Tài chính về việc cân đối cung cầu thị trường, dự kiến kế hoạch IPO một số DN lớn và phát hành tăng vốn của CTCP..., trong đó có nhận định, việc đưa ra đấu giá các DNNN có giá khởi điểm cao trong ngắn hạn sẽ khó thành công.
Niềm tin của nhà đầu tư là điều thị trường cần nhất trong thời điểm hiện nay. Niềm tin của nhà đầu tư là điều thị trường cần nhất trong thời điểm hiện nay.

Nguồn cung chờ trực...

Cách đây hơn một năm, TTCK trong trạng thái hưng phấn, chỉ số tăng theo từng phiên giao dịch. Tại thời điểm đó, không ít chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo Nhà nước cần bán bớt cổ phần ra ngoài để điều chỉnh sức nóng. Ngay cả những người chấp bút Đề án phát triển TTCK và Luật Chứng khoán cũng phải thốt lên: "chứng khoán nóng và thực sự cần một dòng nước mát".

Và thị trường đã được tắm trong "dòng nước mát" suốt hơn một năm qua. Nhà đầu tư không những cảm nhận được sự mát mẻ mà còn lạnh tê tái. Thị trường liên tục tạo các đáy mới ngoài dự kiến. Rồi những giải pháp kích cầu TTCK bước đầu được xúc tiến. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ và hứa sửa đổi Chỉ thị 03; UBCK đã gửi văn bản đề nghị công ty niêm yết, công ty đại chúng tạm ngưng phát hành, giãn tiến độ đấu giá lần đầu… phần nào tạo niềm hy vọng cho thị trường!

Vậy nhưng, trong một vài ngay gần đây, thị trường lại đón nhận thông tin "hy sinh chứng khoán để cứu lạm phát" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hư vấn đề này chưa rõ, nhưng hiệu ứng nó mang lại thì đã được trả lời qua sự sụt giảm điểm số với cường độ cao trên các sàn giao dịch.

Theo thống kê của UBCK, trong tháng 1/2008, UBCK đã cấp giấy chứng nhận chào bán cho 19 DN với tổng số 206.126.023 cổ phiếu, số tiền dự kiến thu được từ các đợt chào bán này khoảng 2.507 tỷ đồng. Dự kiến, trong khoảng tháng 2-3/2008, cơ quan này cho phép thêm 22 DN với tổng số cổ phiếu chào bán khoảng 209 triệu cổ phần; số tiền dự kiến thu được từ các đợt chào bán này khoảng 4.201 tỷ đồng.

Về kế hoạch đấu giá của các DNNN cổ phần hoá và DN bán bớt phần vốn nhà nước, trong thời gian tới, có khoảng 8 DN với tổng số lượng cổ phiếu đấu giá là 78 triệu cổ phần, tổng số tiền dự kiến thu được qua đấu giá tính theo giá khởi điểm và mệnh giá là 2.236 tỷ đồng (trường hợp các đợt đấu giá đều bán hết khối lượng chào bán).

Như vậy, tổng cung trên thị trường có đăng ký (không tính lượng cổ phiếu của DN cổ phần hoá bán trực tiếp hoặc qua đấu giá tại các công ty chứng khoán) từ nay đến đầu tháng 3/2008 vào khoảng 493 triệu cổ phần. Trong đó, 415 triệu cổ phiếu chào bán thêm và 78 triệu cổ phần DNNN thực hiện CPH qua đấu giá với tổng số tiền dự kiến thu được là 8.944 tỷ đồng, bao gồm 6.708 tỷ đồng qua phát hành thêm và 2.236 tỷ đồng thu được qua bán phần vốn nhà nước.

 

Tìm đâu nguồn cầu đối ứng?

Diễn biến TTCK thời gian qua cho thấy, nguồn vốn cho thị trường đã giảm sút mạnh sau khi các ngân hàng thương mại cắt giảm các khoản vay đầu tư vào chứng khoán. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán đã giảm từ 30.000 tỷ đồng từ tháng 6/2007 (thời điểm ban hành Chỉ thị 03/NHNN) xuống 13.000 tỷ đồng, chiếm 1,37% tổng dư nợ tín dụng vào cuối tháng 12/2007. 

Theo UBCK, so với bình quân năm 2007, số lượng cổ phiếu đấu giá 80 triệu cổ phiếu/tháng, số tiền thu được bình quân qua đấu giá là hơn 2.800 tỷ đồng/tháng thì số lượng cổ phần đưa ra đấu giá  trong quý đầu năm 2008 là không có sự đột biến. Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý thị trường yếu, cộng với việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của các DN trong thời gian tới sẽ thu hút một số lượng tiền đáng kể từ thị trường, nên trong ngắn hạn, việc đưa ra đấu giá các DNNN có giá khởi điểm cao sẽ khó thành công.

Để đảm bảo sự an toàn của thị trường, UBCK đã có công văn yêu cầu các tổ chức phát hành báo cáo tình hình sử dụng vốn huy động của công chúng. Ngoài ra, UBCK cũng cho biết, đã chủ động giãn tiến độ cấp phép phát hành, đồng thời xem xét gia hạn việc thực hiện chào bán quá thời hạn 30 cho các DN khi thấy cần thiết. Tuy vậy, những nỗ lực của UBCK, nếu có, mới chỉ tác động một phần đến nguồn cung hàng từ các CTCP, còn điều mà thị trường khó có thể tiếp nhận lúc này là nguồn hàng lớn sẽ được cung ứng từ các DNNN cổ phần hoá. Rõ ràng, cổ phần hoá DNNN là một chủ trương lớn của Nhà nước không thể dừng lại, nhưng bán làm sao, bán như thế nào để thị trường tiếp nhận được và vững bước phát triển, chứ không "hụt hơi" như hiện nay, là điều mà Bộ Tài chính - cơ quan chịu trách nhiệm điều hoà cung cầu chứng khoán - phải cân nhắc. Mong mỏi của nhà quản lý TTCK là giữ thị trường ở trạng thái cân đối về cung - cầu, nhưng các giải pháp đưa ra lúc này mới chỉ tập trung vào việc hạn chế nguồn cung, thiếu chú trọng và thiếu giải pháp hiệu quả để kích cầu. Từ thị trường, có ý kiến cho rằng, giải pháp căn cơ để kích cầu chính là đưa ra giá bán cổ phần của các DNNN khi cổ phần hoá ở mức thấp.

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ