Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh vừa đề xuất giờ làm việc nên bắt đầu từ 8h30 thay vì 7h30 như hiện nay, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó An toàn Lao động, xung quanh đề xuất trên.
Luật không quy định giờ bắt đầu làm việc
Ông đánh giá thế nào về đề xuất thay thời gian làm việc lên 8h30 và nghỉ trưa một tiếng của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh?
Bộ Luật lao động đã quy định một ngày làm việc bình thường không quá 8 giờ; không quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, giao quyền quyết định cho người sử dụng lao động.
Cục phó An toàn Lao động Nguyễn Anh Thơ. Ảnh: DV
Hiện việc tổ chức thời gian làm việc ở Việt Nam đang linh hoạt, người sử dụng lao động có quyền chủ động cao. Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thường tổ chức thời gian làm việc theo các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp. Phổ biến ở Việt Nam, thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h.
Ngoài ra, có một bộ phận doanh nghiệp tổ chức lao động theo ca, kíp, do đó thời gian bắt đầu của ca làm việc thường lệch so với thông thường, có thể bắt đầu từ 6h sáng hoặc thời điểm khác trong ngày. Một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế bố trí thời gian bắt đầu làm việc từ 8h30 hoặc 9h sáng và thường sẽ kết thúc ngày làm việc muộn để phù hợp với thời gian làm việc của trụ sở chính hoặc quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh thời gian làm việc tại các cơ quan và trường học.
Theo đó, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày.
Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h.
Điều chỉnh trên nhằm giảm ách tắc giao thông giờ cao điểm và thuận tiện cho người lao động trong việc chăm sóc, đưa đón con em đi học.
Thời gian nghỉ trưa của người lao động theo cách tổ chức lao động như trên là một giờ, từ 12h trưa đến 13h chiều, ở các địa phương khác là một giờ 30 phút, thường từ 11h30 đến 13h. Đây là khoảng thời gian để người lao động ăn trưa, sau đó nghỉ trưa ngắn khoảng từ 15 đến 30 phút, phù hợp với nhịp sinh học của con người; giúp cho người lao động hồi phục, duy trì sự tỉnh táo và năng suất lao động.
Không nên rút ngắn giờ làm việc của công chức
Đại biểu Quốc hội cho rằng từ 7h30 đến 8h30 làm việc không hiệu quả, nếu làm việc muộn hơn sẽ có hàng loạt ưu điểm, ví dụ như giảm tắc đường, bố mẹ có thể chăm lo bữa sáng cho con... Ý kiến ông thế nào?
Trong lúc Việt Nam đang chuyển dần sang nền hành chính phục vụ, thì các cơ quan hành chính và các tổ chức dịch vụ phải bố trí thời gian làm việc linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó có việc tổ chức, bố trí thời gian làm việc để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ với khung giờ ngày càng dài, chứ không nên rút ngắn lại.
Ngoài ra, đội ngũ công chức, viên chức phải chấp hành đầy đủ nội quy làm việc, tránh tụ tập ăn sáng, uống trà, cà phê muộn thì hiệu quả của thời gian lao động mới được duy trì.
Phương án bố trí làm việc bắt đầu từ 8h30 sáng như ý kiến của đại biểu Cảnh có thể phù hợp cho một số đô thị khi thời tiết lạnh giá.
- Ông Nguyễn Anh Thơ, Cục phó An toàn Lao động
Còn về những lợi ích mà đại biểu Quốc hội nói, theo tôi, với giờ làm hiện nay (7h30), thời gian buổi sáng trước khi vào làm việc đã có thể đủ bố trí các nhu cầu sinh hoạt. Nếu chúng ta bố trí bắt đầu làm việc vào lúc 8h30 thì sẽ phải kết thúc giờ làm việc buổi sáng vào lúc 12h30, thời điểm này ở nhiều địa phương và mùa hè ở Việt Nam sẽ rất khắc nghiệt, trời nắng nóng, đây là thời điểm nên bắt đầu nghỉ ngơi hơn là đi ăn trưa hoặc tham gia giao thông.
Phương án bố trí làm việc bắt đầu từ 8h30 sáng như ý kiến của đại biểu Cảnh có thể phù hợp cho một số đô thị khi thời tiết lạnh giá.
Ông Cảnh cũng cho rằng nghỉ trưa 20-30 phút sẽ giúp lao động tỉnh táo hơn là nghỉ trưa 1,5-2 tiếng. Ông nghĩ sao?
Ý kiến của đại biểu là phù hợp với các kết quả nghiên cứu, khuyến cáo của tổ chức y tế có uy tín. Ở Việt Nam, với cách bố trí có một giờ đến một giờ 30 phút nghỉ trưa bao gồm cả thời gian ăn trưa, thì người lao động có 20 đến 30 phút nghỉ trưa để hồi phục sức khỏe.
Bắt đầu giờ làm từ 7h30 là phù hợp
Bộ lao động đã từng nghiên cứu thời gian làm việc chưa và các phương án thế nào?
Trong thời gian qua, do cần phải có ý kiến về các phương án tổ chức lao động ở một số địa phương, doanh nghiệp, vấn đề thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đã được nghiên cứu, tìm hiểu.
Với điều kiện khí hậu và đặc điểm con người, bao gồm cả văn hóa, truyền thống, thì việc bố trí thời gian bắt đầu làm việc chung buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h là phù hợp.
Ở các đô thị, có thể thời gian bố trí lùi 30 phút như Hà Nội đang áp dụng. Sự tối ưu của cách bố trí này ở chỗ, hàng ngày, chúng ta dậy từ 5 giờ sáng hoặc 6 giờ sáng. Nếu điều kiện giao thông bình thường, chúng ta có đủ thời gian để thể dục, ăn sáng, sau đó đi đến nơi làm việc trong vòng từ một giờ 30 phút đến 2 giờ 30 phút. Trong điều kiện giao thông ách tắc, bố trí theo phương án 8h sáng bắt đầu thì sẽ có thêm 30 phút cho tham gia giao thông.
Kết quả thăm dò độc giả trên VnExpress sau một ngày đại biểu Cảnh đưa ra đề xuất đổi giờ làm.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề đổi giờ làm phải đánh giá tác động cụ thể. Ví dụ, tác động về mặt xã hội, giao thông, hiệu quả công việc thế nào? Giờ làm việc và giờ nghỉ trưa cũng phải xem xét cụ thể vì đối tượng lao động khối hành chính khác, người lao động trực tiếp lại khác.
"Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng xuất lao động", ông nói.