"Cục kẹo" có còn ngọt

(ĐTCK-online) Khi thị trường phục hồi và thăng hoa thì các công ty đầu tư tài chính và những đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu của các đơn vị tiềm năng khác được coi là vào "mùa vàng". Việc sở hữu cổ phiếu của những đơn vị này đã trở thành "mốt" của nhiều nhà đầu tư và khiến giá cổ phiếu tăng mạnh.
Nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc tăng giá trở lại của các "cục kẹo" Nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc tăng giá trở lại của các "cục kẹo"

PAN trở thành một cổ phiếu điển hình cho việc tăng giá phi mã nhờ khoản đầu tư vào cổ phiếu DPM. Thời điểm đánh dấu sự thăng hoa của cổ phiếu PAN được xác định bởi khả năng lên sàn của DPM, với giá cao khoảng gấp đôi so với mức giá IPO và xu hướng thị trường tăng trưởng tốt. Giá cổ phiếu PAN đã tăng gấp đôi trong vòng 1 tháng nhờ thông tin này được công bố rộng rãi.

Việc tăng giá của cổ phiếu PAN đã phần nào tạo ra phản ứng dây chuyền tới cổ phiếu SSI - đơn vị "đỡ đầu" và cũng nắm không ít cổ phiếu PAN. Với những thông tin tốt như lợi nhuận và sức nóng của thị trường niêm yết, giá cổ phiếu SSI cũng tăng đột biến cùng thời điểm với cổ phiếu PAN.

Giới quan sát cho rằng, việc nắm giữ các cổ phiếu với giá rẻ tạo ra ưu thế cho các DN sở hữu, nếu ví von thì những cổ phiếu này trở thành "cục kẹo" của họ. Chính vì thế, nhiều DN niêm yết chọn đầu tư vào các cổ phiếu khác nhằm tự tăng sự hấp dẫn. Cũng theo giới quan sát, vì yếu tố này mà không ít nhà đầu tư đã "nhắm mắt, nhắm mũi" mua cổ phiếu của các đơn vị tài chính với giá "trên trời" và câu cửa miệng của họ là "đầu tư cho tương lai".

Đến nay, khi thị trường ở xu hướng điều chỉnh giảm, cổ phiếu của nhiều đơn vị nắm giữ "cục kẹo" rớt giá và ngày càng rõ rệt hơn khi những "cục kẹo" cũng rớt giá theo. Cái gốc của sự thua thiệt của nhà đầu tư được nhìn nhận từ việc các "cục kẹo" bớt ngọt. Lúc này, nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc tăng giá trở lại của các "cục kẹo" cũng như thời điểm bán "cục kẹo" của các DN sở hữu. Và sự chuyên nghiệp của mỗi tổ chức tài chính trở thành  yếu tố gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo quan sát của ĐTCK, trong đợt thị trường điều chỉnh vừa qua, giá cổ phiếu của các DN niêm yết có nắm giữ "cục kẹo" có mức độ suy giảm ít hơn so với cổ phiếu của DN khác. Nếu so sánh giữa cổ phiếu là SSI và PAN, vào thời điểm hiện tại, 2 cổ phiếu này có mức giảm tương đương nhau (khoảng 20% so với mức giá đỉnh). Tuy nhiên, cổ phiếu SSI được đánh giá cao hơn bởi sự bền vững và tính thanh khoản. Thực chất, đầu tư vào SSI, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào các khoản đầu tư cổ phiếu của đơn vị này. Theo đó, SSI thường mua được cổ phiếu OTC với giá rẻ. Mới đây, SSI đã mua được một khối lượng lớn cổ phiếu của DN bất động sản hàng đầu của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mức giá hiện được HAGL công bố rộng rãi là 150.000 đồng/CP (hiện rẻ hơn thị trường OTC khoảng 10%).

Xu hướng chọn đầu tư vào những DN ưa đầu tư tài chính trên vẫn tiếp diễn. Nhiều nhà đầu tư đặt cả niềm tin vào các công ty đang thực hiện IPO, trong đó, những công ty mẹ (nằm trong mô hình công ty mẹ - con) được đặc biệt chú ý. Ví như, mới đây cổ phần của DIC Group đã được đấu giá rất cao, gấp gần 3 lần so với giá khởi điểm (13.000 đồng/CP). Sở dĩ có kết quả này là do nhà đầu tư cho rằng, DIC Group đang giữ nhiều cổ phiếu của các DIC "con" (giá cổ phiếu của một số DIC "con" đã tăng cao). Như vậy, vô tình nhà đầu tư đã đặt DIC Group vào lĩnh vực tài chính - một lĩnh vực không phải là thế mạnh của đơn vị này. Chị Minh, nhà đầu tư tại sàn SSI thú thực, khi đấu giá cổ phần DIC Group, chị chỉ quan tâm vào khả năng lên sàn của công ty này và dự đoán thời điểm đó thị trường sẽ tốt. Còn xét về khả năng sinh lời từ ngành nghề hoạt động kinh doanh của Công ty thì chắc chắn chị không bỏ giá cao.

Có thể nói, đầu tư vào các công ty tài chính, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro lớn từ thị trường, những rủi ro này sẽ được nhân lên nếu như họ vấp phải những đơn vị không chuyên nghiệp hoặc lấy việc đầu tư cổ phiếu làm "nghề tay trái". Theo giới phân tích, lúc thị trường ở xu thế ngược lại so với thời điểm mua vào cổ phiếu, nhà đầu tư phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn so với các đơn vị nắm giữ "cục kẹo". Bởi nếu nhìn nhận sâu hơn thì chính "cục kẹo" sẽ là món tài sản và bảo bối của các DN nắm giữ, trong khi đó, đối với nhà đầu tư, đó chỉ là món hàng và có thời gian nắm giữ ngắn hơn.

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ