Cửa sáng cho gọi vốn qua thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Kể từ đầu năm 2016, với hàng loạt động thái chính sách mạnh mẽ của Chính phủ như nới room cho khối ngoại, chuẩn bị khai mở TTCK phái sinh, thay đổi bước giá giao dịch…, TTCK Việt Nam có bước khởi sắc rõ rệt. Diễn biến này đã kích thích được nhu cầu tìm kiếm nguồn vốn mới thông qua sàn chứng khoán, để giảm áp lực vay nợ từ ngân hàng.
Cửa sáng cho gọi vốn qua TTCK Cửa sáng cho gọi vốn qua TTCK

Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt 254.500 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Hoạt động đấu giá cổ phần cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt tổng giá trị 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và tỷ lệ thành công đạt 60%. Giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 6.200 tỷ đồng/ngày, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Trong đó, giá trị giao dịch trái phiếu tăng 34% so với cùng kỳ, giá trị giao dịch cổ phiếu tăng 16% so với cùng kỳ.

Với khoảng 1.000 công ty đại chúng ngoài sàn và Chính phủ đang rốt ráo áp dụng nhiều giải pháp nhằm gắn chặt hơn quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với niêm yết, đăng ký giao dịch, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đã IPO cách đây nhiều năm lên sàn, hứa hẹn trong giai đoạn tới, TTCK sẽ có thêm nhiều hàng tốt. Đây cũng là cơ hội mới để các doanh nghiệp gắn chặt hơn với thị trường chứng khoán, bởi nguyên lý đơn giản là khi có nhiều hàng tốt, sẽ có thêm nhiều khách tốt tìm đến và khả năng tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi từ những vị khách tốt là hoàn toàn có thể.

Phải khẳng định rằng, từ khi thị trường chứng khoán hình thành, đã có rất nhiều công ty tận dụng thành công cơ hội này để huy động nguồn vốn giá rẻ thông qua phát hành cổ phần nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, mang lại những hiệu quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần phải thấy một thực trạng là tính minh bạch của TTCK trong nước chậm được cải thiện, đe dọa sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường. Trong đó, hai vấn đề chủ đạo gây nhức nhối nhà đầu tư là về chất lượng hàng hóa và chưa có các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số. Nhiều doanh nghiệp huy động vốn của nhà đầu tư về nhưng lại thiếu kiểm soát trong sử dụng vốn, sa đà vào đầu tư dàn trải, xa rời ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính, nhất là sa đà vào đầu tư tài chính, thậm chí không ít trường hợp lợi dụng việc huy động vốn để trục lợi bất chính

Có trường hợp, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhà quản lý doanh nghiệp có góp vốn hoặc mua cổ phần chi phối bằng tiền của mình, sau đó bằng cách này hay cách khác đã rút được phần lớn hoặc toàn bộ vốn của mình ra, nhưng vẫn điều hành doanh nghiệp và kinh doanh bằng vốn huy động tăng thêm trên thị trường. Trong những trường hợp này, lợi ích của các nhà đầu tư, đặc biệt số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hay nói cách khác là nhà đầu tư bị “lừa” mà không biết kêu ai.

Tại một số doanh nghiệp vốn là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc các công ty cổ phần làm có tài sản chất lượng nhất là bất động sản ở các thành phố lớn, khi quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp còn ở mức khiêm tốn, họ đang tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính. Nhưng đến khi doanh nghiệp tăng vốn lên gấp nhiều lần và tham gia đầu tư đa ngành, lợi thế và hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ bị “pha loãng” và phải chia sẻ rủi ro trong các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư khác nhau. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản cũng bị giảm sút nếu tính trên vốn điều lệ mới. Khi đó, giá trị cổ phiểu sẽ biến động mạnh, nhiều trường hợp trái ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Đây chính là vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm, bởi việc huy động vốn không được tính toán kỹ sẽ dễ dẫn đến hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Một khi niềm tin nhà đầu tư vào thị trường bị giảm sút, tạo ra hiệu ứng tâm lý “sợ phát hành tăng vốn” của các doanh nghiệp, dẫn đến ngay cả những doanh nghiệp tốt khác, có kế hoạch khả thi và đầy tiềm năng, cũng không thể huy động vốn được, lại phải điệp khúc đi vay nợ ngân hàng. Do vậy, việc kiểm soát đối với tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng, nhất là công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán là cần thiết nhất là đối với việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Luật gia Đoàn Thành Nhân, Nguyên giảng viên Đại học Luật Hà Nội

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục