Cửa hẹp với tín dụng cá nhân

(ĐTCK-online) Với chủ trương kiểm soát tăng trưởng dư nợ năm 2011 dưới 20% được NHNN áp cho tất cả các NHTM, đồng thời thu hẹp tín dụng phi sản xuất về tỷ lệ 16% vào cuối năm nay, nhiều nhà băng đang từng bước cơ cấu lại dư nợ, hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.

Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần lớn ở TP. HCM,  trong 2 tháng qua, dư nợ tín dụng cá nhân không mấy tăng trưởng. Một phần do tính chất mùa vụ đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân chưa cao. Mặt khác, áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng ở mức quá cao (20 - 21,5%/năm) nên hầu hết cá nhân có nhu cầu đều e ngại. Tăng trưởng dư nợ tín dụng khối khách hàng cá nhân của ngân hàng này chỉ đạt chưa tới 7% trong 2 tháng qua, song vị giám đốc trên cho biết, sẽ có những khắt khe hơn đối với việc chọn lọc khách hàng để trao vốn. Trong đó, với tín dụng chứng khoán, ngân hàng quyết định tạm dừng, dù dư nợ tín dụng cầm cố chứng khoán hiện chiếm tỷ lệ không lớn trên tổng dư nợ.

Tại DongA Bank, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất hiện đạt mức cho phép của NHNN là 22% trên tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu giảm dần tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, theo ông Bình, Ngân hàng sẽ cơ cấu lại dư nợ theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất và tập trung vốn cho khu vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, không mở rộng cho vay ở lĩnh vực kinh doanh chứng khoán cũng như kinh doanh bất động sản.

"Mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng của DongA Bank tính đến cuối tháng 2/2011 chỉ cao hơn chút đỉnh so với cuối năm trước, nhưng với chủ trương kiểm soát tăng trưởng dư nợ không được vượt quá ngưỡng 20% thì không còn cách nào khác là phải dần thu hẹp tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất nói chung", ông Bình nhấn mạnh.

Các ngân hàng lớn đã vậy, nhưng đơn vị có quy mô nhỏ lại càng khó khăn hơn do tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất lâu nay vẫn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ. Đồng thời, phát triển tín dụng ở lĩnh vực này cũng đóng góp nguồn thu lớn nhất vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ. Do đó, với yêu cầu chỉ trong 4 tháng, các nhà băng có tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất trên 22% phải kéo xuống mức này là không dễ dàng. Thực tế trên thị trường hiện nay, có đến 26 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất chiếm hơn 26% trên tổng dư nợ. Tại không ít đơn vị, tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực này chiếm từ 30 - 40% trên tổng dư nợ cho vay. Vì thế, muốn giảm xuống 22% vào cuối tháng 6/2011, các nhà băng cho biết, chỉ còn cách dừng cho vay đối với khách hàng cá nhân ngay từ lúc này.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, tính đến nay, dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất của Ngân hàng chiếm khoảng 30% trên tổng dư nợ. Song để thực hiện chủ trương trên của NHNN, đồng thời đảm bảo tăng trưởng dư nợ không vượt ngưỡng 20% trong năm nay, OCB sẽ dừng hẳn việc phát triển tín dụng ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và trong thời gian tới là tín dụng tiêu dùng.

Việc hạn chế vốn vào các lĩnh vực nói trên của các ngân hàng bên cạnh mục tiêu thực hiện chủ trương kiểm soát tăng trưởng dư nợ phi sản xuất của NHNN thì huy động vốn khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân. Theo đại diện một chi nhánh của ngân hàng tại TP. HCM có trụ sở ở Hà Nội, không phải đến hôm nay mà ngay trong những ngày đầu tháng 2/2011, nhà băng này đã thắt chặt triển khai tín dụng cá nhân bằng cách nâng lãi suất thỏa thuận lên mức 22 - 23%/năm, cộng với các điều kiện tín dụng khắt khe để lọc bớt khách hàng.

Thùy Thanh
Thùy Thanh

Tin cùng chuyên mục