“Của để dành” mang tên Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK)

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bên cạnh vị thế là công ty số 1 Việt Nam về tư vấn, thiết kế, kiểm định công trình hạ tầng viễn thông đang mở rộng quy mô hoạt động sang lĩnh vực mới tiềm năng thì VTK cũng duy trì mức cổ tức hấp dẫn dù tính theo mệnh giá hay thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán.

“Của để dành” mang tên Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK)

Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel (mã chứng khoán VTK) là một công ty con của Tập đoàn Viettel, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và kiểm định công trình hạ tầng viễn thông.

Sự cạnh tranh trong ngành: Gần như không có

Là một trong 2 đơn vị thành viên đầu tiên của Viettel, doanh nghiệp 25 năm tuổi này chính là đơn vị đã thiết kế 5 đường trục cáp quang Bắc-Nam, tổng chiều dài trên 8.500 km, gần 190.000 km cáp quang rẽ nhánh và thiết kế trên 45.000 trạm BTS, trên 10.000 tuyến Viba… tạo nên sức mạnh cho Viettel từ những ngày đầu và đem lại nguồn thu đầu tiên của tập đoàn.

Hiện nay, công ty vẫn giữ vị thế là Công ty tư vấn thiết kế hạ tầng viễn thông số 1 tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Duy - Tổng giám đốc VTK, cho đến tháng 9 năm ngoái, một hiệp hội mang tên Hiệp hội Tư vấn viễn thông và Công nghệ thông tin do Viettel chủ trì mới được thành lập, gồm 9 thành viên và hiện tại là 15 thành viên. Tại Việt Nam, chỉ có 2 đơn vị bao gồm VTK được xếp loại năng lực doanh nghiệp hạng 1, cung cấp đầy đủ dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiểm định công trình hạ tầng viễn thông liên tỉnh.

Các đơn vị khác hoặc chỉ cung cấp một dịch vụ, hoặc chỉ hoạt động nội tỉnh. Chính vì thế, có thể nói rằng, VTK không gặp phải sự cạnh tranh nào trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi của mình.

Bên cạnh vị thế này, một trong những điểm khiến VTK được những nhà đầu tư ưa phòng thủ lựa chọn là hàng năm, công ty đều trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% trên mệnh giá 10.000 đồng.

Tính trên thị giá 25.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu (theo giá giao dịch trên sàn chứng khoán) thì lợi suất người nắm giữ cổ phiếu nhận được cũng vẫn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện tại.

Tỷ lệ chia cổ tức từ 10-20%/năm dự kiến duy trì ổn định trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó năm 2020, dự kiến kế hoạch doanh thu là 136 tỷ, lợi nhuận hơn 16 tỷ đồng và cổ tức từ 15-20%.

Chính vì thế, ông Vũ Tiến Duy đánh giá, đây là một khoản “của để dành” chứ không phải là loại cổ phiếu dành cho người thích “lướt sóng”; quan trọng hơncả, các nhà đầu tư quan tâm đến triển vọng phát triển tương lai của công ty.

Cơ hội nằm ở thị trường dân dụng

Lợi thế lớn nhất đến hiện tại của VTK là công ty con của Viettel, ngoài việc phụ trách hàng chục nghìn công trình viễn thông tại Việt Nam của Tập đoàn mẹ thì VTK cũng có thể tận dụng mạng lưới của Tập đoàn để mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài lãnh thổ.

Trước xu thế bão hòa của thị trường viễn thông, VTK chủ động mở rộng kinh doanh, tìm kiếm ngành nghề mới như tư vấn xây dựng dân dụng và công nghiệp, tư vấn giải pháp ICT.

Theo đó, doanh thu ngoài tập đoàn Viettel đã tăng từ 3 tỷ đồng lên 14,5 tỷ đồng vào năm 2019 và có thể đạt 20 tỷ trong năm 2020. Doanh thu này đến từ các hợp đồng hạ tầng với nhà mạng khác và các Bộ, ngành cần xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc riêng.

Đáng chú ý, đánh giá xu hướng phát triển của thị trường và dựa trên thế mạnh thiết kế, VTK có kế hoạch “tấn công” thị trường thiết kế dân dụng và thị trường ICT. Thậm chí, VTK đầu tư vào các khu chung cư dạng thô, bắt tay vào thiết kế để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu của mình.

Theo đó, VTK thành lập Trung tâm ICT trực thuộc công ty, thực hiện tư vấn giải pháp, xây dựng hạ tầng, tích hợp hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin.

“Chúng tôi xác định rằng thị trường nội thất Việt Nam rất lớn. Và cơ hội của chúng tôi nằm ở đó. Chúng tôi mang thương hiệu của Viettel, có thể sử dụng các sản phẩm do M3 sản xuất, vận chuyển qua Viettel Post, thanh toán qua ViettelPay… Chuỗi giá trị sẽ được chúng tôi phát triển và gia tăng qua những sản phẩm nội thất thông minh của mình” – ông Vũ Tiến Duy khẳng định.

Công ty đã bước đầu tiếp cận thực hiện các dự án CNTT, camera giám sát, mạng wifi, dự án thu phí không dừng... liên danh với các đơn vị bên ngoài Viettel để tham gia các gói thầu.

Năm 2025, VTK đặt mục tiêu doanh thu đạt 200-350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 30-40 tỷ đồng nhưng vị Tổng giám đốc cho rằng, con số có thể đạt cao hơn thế.

Ngọc Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục