Cú sốc thông tin và dự báo sớm diễn biến các phiên giao dịch chứng khoán tiếp theo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch 30/3 chứng khiến nhóm vốn hóa nhỏ bị bán mạnh, trong đó có tác động cục bộ của cổ phiếu hệ sinh thái FLC và nhóm bất động sản đầu cơ trên thị trường.
Cú sốc thông tin và dự báo sớm diễn biến các phiên giao dịch chứng khoán tiếp theo

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, đã có doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vụ việc lãnh đạo FLC bị bắt, nhất là dính tới kênh trái phiếu mà họ đang huy động. Theo đó, một số khách hàng đã đề nghị doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán trước hạn, một số khác thông báo hủy hợp đồng dự kiến ký kết với doanh nghiệp.

Không chỉ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu bất động sản lớn cũng không thoát khỏi áp lực từ thông tin siết tín dụng vào bất động sản. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng đã đóng vai người hùng để trụ đỡ thị trường, giúp thị trường không giảm quá sâu hôm nay.

Nhiều nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ liệu chăng có phải lại là "Bank 1 phiên" nữa, hay thực sự các kỳ vọng về thông tin trong đại hội đồng cổ đông sắp tới với con sóng tăng vốn của các ngân hàng, kèm theo nhu cầu tín dụng được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi kinh tế sẽ đẩy cổ phiếu vua vào con sóng mới.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, các nhóm ngành hưởng lợi từ vĩ mô như đầu tư công, xuất khẩu gồm dệt may, thủy sản vẫn giữ được sự hấp dẫn của mình.

Chia sẻ quan điểm về việc tin đồn và các cú sốc thông tin liên quan đến lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết ảnh hưởng tới thị trường, tổng giám đốc một quỹ đầu tư đặt câu hỏi: “Nếu tin đồn lại tiếp tục là thật thì thế nào? Nhà đầu tư cần suy xét các nhân vật ấy có ảnh hưởng gì đến công việc làm ăn của doanh nghiệp hay không? Nếu cầm cổ phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tốt tại sao anh, chị lại hoảng sợ”?

Phân tích về ảnh hưởng của vụ việc ông Trịnh Văn Quyết với thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc FIDT đánh giá, quy mô nợ của hệ sinh thái FLC không quá lớn, khó tạo ra hiệu ứng "hòn tuyết lăn".

Cụ thể, tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoản 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD và chỉ bằng khoản 0,014% GDP Việt Nam.

Về nợ, bao gồm cả ngắn và dài hạn, chưa tính Bamboo Airways (BVA) vào khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương 360 triệu USD và quá bé so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam.

"Với quy mô này thì nhóm hệ sinh thái trên không có ảnh hưởng nào tới nền kinh tế hiện tại, vì quy mô và mức độ liên kết liên đới rất nhỏ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong ngày hôm nay, một số nhà băng như Sacombank, OCB cũng đã lên tiếng và cung cấp thêm thông tin quanh các khoản vay có liên quan đến các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC. Hành động này đã giúp nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng có dữ liệu để ra quyết định mua/bán cổ phiếu.

Ông Tuấn đánh giá: "Những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các nhà băng rà soát lại và đi kèm những kế hoạch dự phóng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản. FIDT giữ nguyên đánh giá ban đầu là rủi ro rất thấp và không tạo ra một hiện tượng hòn tuyết lăn.

Ông Tuấn cho rằng, sẽ có 2 nhóm ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện liên quan việc ông Quyết bị bắt gồm:

Thứ nhất, hệ sinh thái của FLC như FLC, HAI, AMD, KFL, ART, ROS, GAB..., vì tính gia đình và sẽ tiếp tục diễn biến bán tháo là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, cổ phiếu Bamboo Airways cũng sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC là điều tất yếu.

Thứ hai, nhóm ngân hàng mà hệ sinh thái này đang có dư nợ gồm STB, OCB, BID, NVB..., vì quy trình trích lập và gọi bổ sung tài sản, cũng như rà soát lại chất lượng tài sản, đánh giá lại mức giá cho vay.

Với thị trường chung, ông Tuấn đánh giá, thị trường đã tách bạch khỏi nhóm cổ phiếu FLC từ rất lâu, vì nhóm đã được định vị ở dòng cổ phiếu đầu cơ, có chăng chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối sẽ bị nhốt trong này, cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát theo kiểu bán bổ sung tài sản. Tuy nhiên, mức độ kỳ này nhẹ hơn rất nhiều và FIDT đánh giá, gần như không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" khi đã bị "xử lý" ở tháng 1 vừa rồi (sau khi xảy ra vụ bán không công bố 74,8 triệu cổ phiếu).

Ông Tuấn đánh giá, những ảnh hưởng ngắn hạn có thể là tiêu cực, còn về trung và dài hạn thì chỉ có thể nói một từ "rất tốt".

Chia sẻ quan điểm của ông Tuấn, giám đốc nhiều tổ chức đầu tư đánh giá, các động thái gần đây thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà chức trách. Qua đó, sẽ thúc đẩy một luồng vốn quy mô lớn vào thị trường chứng khoán, vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho các công ty làm ăn đàng hoàng minh bạch.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục