Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 2: Vật lộn trong vòng xoáy mưu sinh

Hơn 90% các đơn vị lữ hành phải đóng cửa kéo theo hàng chục ngàn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vòng xoáy mưu sinh trong đợt dịch tư này chưa biết khi nào lắng xuống.
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài chuẩn bị đi ship đồ ăn cho thực khách.

Bài 2: Vật lộn trong vòng xoáy mưu sinh

Người du lịch bị đại dịch "đánh cắp" giấc mơ, nguồn sống. Họ quay cuồng trong cuộc mưu sinh để sinh tồn.

Thất nghiệp chồng thất nghiệp

Chị Lê Thị Hải vốn là nhân viên truyền thông của một công ty lữ hành tại Hà Nội. Cuộc sống của chị ổn định với mức thu nhập khá cho đến khi Covid-19 bùng phát. “Chưa bao giờ tôi thấy người làm du lịch điêu đứng như bây giờ”, chị Hải nói.

Lương của chị thời điểm trước mùa dịch là 12 triệu đồng/tháng, sau đó bị giảm 50% vào tháng 3/2020. Từ tháng 4/2020, công ty lữ hành nơi chị làm việc phải đóng cửa, chị bị mất việc làm. Ban đầu, chị làm kim chi, muối dưa cải, cà pháo và chế vài món ăn như nem rán, phở cuốn, tào phớ, chè thập cẩm đẻ bán online, nhưng lãi chẳng đáng là bao, thậm chí có khi còn âm tiền vì hàng bán chậm nên nhà lại ăn luôn.

Vài tháng sau, không thể trụ được nữa, chị Hải quyết định đi buôn rau. Cứ tầm 4 giờ sáng, chị đến chợ đầu mối Long Biên nhập những loại rau thông dụng rồi về chợ cóc gần nhà ngồi bán. May mắn là việc kinh doanh khá thành công, gần như hôm nào cũng hết hàng vì chị bán giá khá rẻ, lấy công làm lãi.

Đợt “sóng thần” mới buộc các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành phải mạnh tay cắt giảm sâu nhân sự hoặc chuyển đổi, sắp xếp lại các vị trí do kinh doanh đình trệ. Nhiều giám đốc các đơn vị lữ hành như đang “ngồi trên lửa”, lo rằng dịch bệnh triền miên

sẽ khiến hàng loạt nhân sự còn cố bám trụ được đến giờ cũng chán nản mà nghỉ việc, một khi họ đã chuyển nghề thì dễ “một đi không trở lại” dù sau này du lịch được phục hồi.

CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài

“Tính ra, mỗi tháng tôi cũng bỏ túi được chừng 10 triệu đồng. Công việc tuy vất vả, nhưng đã giúp gia đình vượt qua cơn bĩ cực”, chị vừa kể, vừa gạt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm đen vì mùa dịch.

Thế nhưng, chẳng thể ngờ, Covid-19 bùng phát lần thứ tư trên diện rộng. Từ ngày 12/5 đến nay, TP. Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động các nhà hàng bia hơi, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Chị Hải buộc phải chuyển sang bán rau online, nhưng đơn hàng “cắc bụp”. Giá rau rẻ, tiền ship nhiều hơn cả tiền rau, nên rất hiếm người đặt hàng.

“Cả ngày lãi không nổi 20.000 đồng, nên tôi không buôn nữa. Thất nghiệp chồng thất nghiệp, cả tháng nay, gia đình tôi đành giảm tối đa chi tiêu với mức lương 13 triệu đồng của ông xã. Giờ chỉ mong dịch nhanh chóng bị khống chế để được buôn bán, làm việc trở lại”, chị rưng rưng.

Trai du lịch vượt “bão” Covid-19

Vốn là hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn của một hãng lữ hành có tiếng tại Hà Nội, gần đây, Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi) quảng cáo hóm hỉnh trên mạng xã hội: “Covid-19 giúp em có mái tóc ‘highlight ánh kim’, làm da bánh mật rắn chắc, đôi mắt có hồn hơn vì lắng lo mưu sinh… là có thật các bác ạ. Các bác về quê, đi sân bay, đi lễ, đi chơi nhớ alô em chở giá hạt rẻ, xe thơm lừng, lái xe 18+++, lại có thể hỗ trợ sống ảo nhé nhé! Cảm ơn các bác luôn ủng hộ trai du lịch vượt ‘bão’ Covid-19 ạ!…”.

Chất hướng dẫn viên ngấm vào máu bao năm nên Hùng hài hước cả trong lúc khó khăn. Khi mới thất nghiệp hồi tháng 3/2020, anh tận dụng những mối quen từ những năm đi Hàn Quốc như cơm bữa, nhập mặt hàng nhân sâm cao cấp của xứ sở kim chi về bán. Nhưng Covid-19 khiến kinh tế kiệt quệ, chẳng mấy ai dùng những món hàng đắt đỏ, nên anh lại phải kiếm thêm một nghề khác để mưu sinh.

Sẵn chiếc ô tô của gia đình, anh Hùng quyết định chạy xe du lịch vì sẵn nghề hướng dẫn viên, lại thông thạo các điểm đến. Nhưng thời buổi người khôn của khó, các gia đình hầu hết chọn tự lái xe, nên dịch vụ của anh cũng “được chăng hay chớ”. Anh bảo: “Vẫn biết nghề tay trái luôn khó khăn, nhưng tôi quyết làm tất cả những gì có thể để lo cho các con, cho gia đình”.

Anh Nguyễn Văn Minh (35 tuổi), người góp mặt vào nhịp sống sôi nổi, hối hả của phố cổ Hà Nội hơn 10 năm qua ở vị trí điều hành tour của một công ty lữ hành chuyên đón du khách nước ngoài với mức thu nhập khá, nay cũng phải kiếm thêm nghề tay trái để lo cho gia đình.

Từ tháng 4/2020, anh phụ vợ lấy hải sản từ Quảng Ninh lên bán, nhưng lãi mỏng vì thị trường cạnh tranh khốc liệt, người người, nhà nhà bán hàng online. May mắn đến với Minh khi đầu tháng 8, anh xin được vào vị trí chuyên viên tư vấn bất động sản cho một công ty ở quận Cầu Giấy, với mức lương 7 triệu đồng/tháng và có hoa hồng nếu bán được nhà, đất.

Gia đình Minh sinh sống ở quận Long Biên, hàng ngày anh phải đi làm hơn 20 km. Nhưng như thế có hề gì, vì anh thấy mình may mắn hơn nhiều so với biết bao lao động khác trong ngành du lịch. Trải nghiệm trong môi trường làm việc mới, anh được học hỏi thêm rất nhiều về kinh doanh bất động sản và thấy phù hợp với năng lực của mình. Nếu làm tốt, thu nhập của anh có thể cao hơn so với công việc trước đây, mà không cần phải trực 24/24h để lo cho khách.

“Đây là cơ hội để tôi thay đổi công việc có mức thu nhập tốt hơn. Có thể, tôi sẽ gắn bó với công việc này lâu dài, dù trước đây chưa từng nghĩ sẽ chia tay ngành du lịch”, Minh nói.

Khởi nghiệp để tự cứu mình

Cũng là hướng dẫn viên du lịch, N.T.Trung lại dấn thân và chấp nhận thử thách khi start-up với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Anh có niềm đam mê cháy bỏng với ẩm thực và từng thưởng thức nhiều món ăn độc đáo của các quốc gia. Nhưng những món ăn hè phố của Việt Nam với anh vẫn tuyệt vời nhất. Thế là anh quyết định khởi nghiệp với tiệm nước rau má và bánh mỳ kẹp heo quay.

Để món ăn mang bản sắc riêng, khiến thực khách phải nhớ mãi, anh Trung xách balô đến Đà Nẵng và TP.HCM học hỏi. Nước rau má và bánh mỳ kẹp heo quay của anh cuối cùng được thực khách đặc biệt yêu thích, nên cuối năm 2020, anh mở quán thứ hai, thu nhập ổn định hơn.

“Ban đầu, tôi chỉ tính mở một cửa hàng nhỏ sống cho qua mùa dịch rồi trở lại nghề hướng dẫn viên, nhưng không ngờ Covid-19 dai dẳng đến thế. Dù chưa có kinh nghiệm buôn bán, nhưng bằng cái tâm và nỗ lực, giờ tôi có một cơ ngơi siêu nhỏ với 4 cửa hàng và một số cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Trube, tạo việc làm cho hơn 30 lao động”, Trung chia sẻ.

Nghề dịch vụ là làm dâu trăm họ, việc thức khuya dậy sớm, ra đường bất kể thời tiết nắng mưa, anh Trung rất thấm. Nhưng đổi lại, mỗi ngày anh bán ra được khoảng 600-700 bánh mỳ, chừng 1.700-1.800 cốc đồ uống vào ngày hè, mùa đông cũng được 600-700 cốc.

Không còn được làm công việc mình đam mê, nhưng anh Trung đã tìm được niềm vui mới khi tạo được việc làm, chỗ ở cho hàng chục sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sản phẩm tâm huyết được thị trường đón nhận, nhiều lúc cửa hàng đông khách thì ông chủ đích thân đi ship đồ... “Covid-19 làm tôi hụt hẫng vì không còn được đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng khi hết dịch, có cơ hội, tôi vẫn thu xếp công việc để trở về với nghề hướng dẫn viên”, anh Trung bày tỏ.

Nỗi lo “lỗ hổng” nhân sự du lịch

Các doanh nghiệp, chuyên gia bày tỏ mối quan ngại thực sự cho ngành công nghiệp không khói, khi phải đối diện cuộc khủng hoảng nhân sự lớn chưa từng có trong lịch sử, nhất là lao động chất lượng cao. Họ không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều hướng dẫn viên phải chạy xe ôm, làm shipper, bán hàng online…, thậm chí các CEO nhanh nhạy cũng phải chuyển sang bán bia, kinh doanh thực phẩm, trồng rau sạch, sản xuất khẩu trang…

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết: “Cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng có liên quan. Song dịch bệnh khiến lực lượng này ‘teo tóp’ và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác”.

Kết quả một khảo sát mới đây của TAB cho thấy, có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc. Nguồn nhân lực du lịch “thất thoát không phanh” khi phần lớn phải chuyển nghề để mưu sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, nguồn nhân lực du lịch sau 3 đợt Covid-19 còn rất ít, chủ yếu là những người rất yêu nghề và nằm ở những doanh nghiệp có năng lực, có sức chống đỡ. Nhưng ở lần bùng phát này, các doanh nghiệp lữ hành không còn đủ năng lực để giữ bộ máy nhân sự.

Các doanh nghiệp có xu thế co cụm lại, ông chủ vừa là lãnh đạo, cũng trực tiếp tham chiến để giảm chi phí, nên lực lượng lao động không còn việc. Người lao động buộc phải tìm nghề khác và nếu tìm được công việc thích hợp có thu nhập ổn định, thì họ có thể không trở lại nghề cũ nữa.

“Điều đó có nghĩa là nguồn nhân lực sẽ ‘chảy máu’ gần hết. Khi Covid-19 được kiểm soát, guồng quay công việc trở lại, muốn tuyển thêm nhân sự, cũng không còn ai để tuyển. Lúc đó, ‘lỗ hổng’ nhân lực ngành du lịch sẽ rất lớn mà không phải ngày một ngày hai có thể khỏa lấp được”, ông Tài lo lắng.

(Còn tiếp)

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục