Pháp luật tương đối hoàn thiện
Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ, toàn diện. Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Năm 2019, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm gần đây, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam cũng phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS - năm 2017), gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (năm 2019) và Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh phục vụ đăng ký sáng chế (năm 2021).
Trước yêu cầu của bối cảnh mới, khi các tiêu chuẩn về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cần được hoàn thiện trên tinh thần đáp ứng đầy đủ và hiệu quả các tiêu chuẩn, tương thích với các chuẩn mực quốc tế.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật này đã đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn), tạo thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội; bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ..., bên cạnh các nội dung quan trọng khác.
Đây được coi là lần sửa đổi, bổ sung lớn nhất, đồ sộ nhất của Luật Sở hữu trí tuệ và bao quát nhiều vấn đề từ trước đến nay theo hướng quy định rõ ràng, chi tiết hơn và được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, góp phần tạo động lực mạnh mẽ. Điều này không chỉ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, mà còn đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.
Tín hiệu đáng mừng
Bên cạnh các cơ hội mở ra nhờ chính sách đầu tư cởi mở và nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về sở hữu trí tuệ, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những lo ngại có thể cản trở sự gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng còn chủ yếu dựa vào thủ tục và chế tài hành chính trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc xử lý bằng biện pháp dân sự tại tòa án chiếm tỷ lệ khiêm tốn và còn nhiều hạn chế.
Đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra từ năm 2018. Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản về việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến về dự thảo lần 2 tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, trong đó có đề xuất thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở Tòa án Nhân dân cấp cao Hà Nội.
Về cơ cấu Hội đồng Xét xử, tiêu chuẩn Hội thẩm tham gia xét xử tại các tòa chuyên trách phải là các chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên trong các lĩnh vực về kinh tế, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ để tham gia xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực đặc thù tương ứng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khắc phục kịp thời những bất cập trong xử lý các tranh chấp này để sớm bắt nhịp với xu thế hội nhập quốc tế.
Với nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, Việt Nam có nhiều cơ hội để nổi lên như một trung tâm sản xuất mới và thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.