Cú gieo xúc xắc cuối cùng
Việc xác nhận kết quả của Đại cử tri đoàn ngày 14/12 với chiến thắng của ông Biden đã khiến Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông chỉ còn một nơi cuối cùng để thách thức kết quả bầu cử năm 2020, đó là phiên họp chung của Quốc hội vào tháng 1.
4 năm một lần, Hạ viện và Thượng viện sẽ gặp nhau để chính thức xác nhận số phiếu đại cử tri và nêu ra những băn khoăn cuối cùng về kết quả bầu cử.
Thông thường, đây giống như một nghi thức "chiếu lệ" xác nhận số phiếu đại cử tri nhưng năm nay, một số người ủng hộ trung thành của ông Trump đe dọa sẽ biến sự kiện này thành dịp để phản đối kết quả bầu cử.
Việc một thành viên trong Hạ viện hoặc Thượng viện nộp đơn phản đối kết quả bầu cử không phải là một hành động phổ biến. Gần đây nhất, việc này xảy ra vào năm 2017 khi một số thành viên đảng Dân chủ phản đối chiến thắng của ông Trump ở những bang quan trọng với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.
Tuy nhiên, đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton đã nhận thua và không có thượng nghị sĩ đảng Dân chủ nào tham gia vào nỗ lực trên, do đó, việc phản đối đã nhanh chóng bị bác bỏ.
Dù vậy, năm 2020, cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri đã thu hút sự chú ý của công chúng. Với việc Tổng thống Trump vẫn tiếp tục các thách thức pháp lý, nhiều người hy vọng sự kiện này sẽ khép lại những con đường còn lại nhằm đảo chiều kết quả của ông Trump.
Tuy nhiên, cuộc họp ở Quốc hội được tổ chức ngày 6/1 nhằm kiểm phiếu đại cử tri và xác nhận kết quả sẽ cho các đồng minh của Tổng thống Trump trong Hạ viện cơ hội cuối cùng để thách thức chiến thắng của ông Biden.
Liệu Trump có cơ hội lật ngược tình thế?
Nỗ lực này đang được Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Alaska Mo Brooks dẫn đầu cùng với một nhóm các đồng minh trung thành của ông Trump, những người đang để mắt đến việc thách thức kết quả bầu cử tại 5 bang khác nhau như Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin.
Bất chấp việc kết quả kiểm phiếu đã được các nhà chức trách xác nhận, nhóm này vẫn tiếp tục đưa ra các cáo buộc cho rằng đã xảy ra tình trạng gian lận trong quá trình kiểm phiếu.
"Theo Hiến pháp, chúng tôi có vai trò cao hơn cả Tòa án Tối cao, cao hơn bất kỳ thẩm phán liên bang nào hoặc bất kỳ thẩm phán nào của các bang. Những gì chúng tôi nói chính là phán quyết cuối cùng", ông Brooks cho hay.
Theo Hiến pháp và theo Đạo luật Kiểm đếm Bầu cử 1887, các thách thức pháp lý của họ phải được trình lên bằng văn bản và có chữ ký của một thượng nghị sĩ. Hiện vẫn chưa có thượng nghị sĩ nào của đảng Cộng hòa cho thấy họ sẽ ủng hộ nỗ lực này mặc dù các thượng nghị sĩ như Ron Johnson của bang Wisconsin và Rand Paul của Kentucky đều là những đồng minh trung thành của ông Trump, cho thấy rằng họ có thể sẽ làm vậy.
Nếu không có thượng nghị sĩ nào ký vào đơn phản đối trên, những nỗ lực của họ sẽ nhanh chóng thất bại và ông Biden có thể chính thức tuyên bố là tổng thống đắc cử.
Tuy nhiên, nếu 1 thượng nghị sĩ ký vào đơn phản đối thách thức kết quả bầu cử này, đảng Cộng hòa có thể khiến Quốc hội Mỹ phải tiến hành một cuộc tranh luận về việc Tổng thống Trump từ chối nhận thua cũng như những cáo buộc chưa có bằng chứng của ông về gian lận bầu cử, vốn phần lớn đã bị tòa án bác bỏ.
Theo đó, khi văn bản phản đối kết quả trên được tuyên bố, các thượng nghị sĩ và các hạ nghị sĩ sẽ có 2 tiếng để tranh luận và sau đó sẽ bỏ phiếu xem liệu có bác bỏ kết quả bầu của của bang đó hay không.
Bất kỳ động thái nào được tiến hành sau đó đều cần sự nhất trí của cả Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và cả Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Các chuyên gia về Hiến pháp và thậm chí chính các thành viên trong đảng Cộng hòa cũng thừa nhận rằng nỗ lực trên chắc chắn sẽ thất bại.
Với việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa giữ thế đa số với tỷ lệ sít sao ở Thượng viện, gần như không thể xảy ra tình huống hai bên sẽ bỏ phiếu bác bỏ kết quả bỏ phiếu của 1 bang nào đó, chứ nói tới 5 bang.
Tuy nhiên, một cuộc tranh luận và bỏ phiếu như vậy có thể đặt đảng Cộng hòa vào thế khó khi họ buộc phải lựa chọn giữa Tổng thống Trump và niềm tin của họ vào quy trình đại cử tri. Dù lựa chọn như thế nào, tác động từ lựa chọn đó đều có thể ảnh hưởng đến tương lai của đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump đã khen ngợi những nỗ lực của ông Brooks trên Twitter song không thể hiện rằng ông quan tâm đến chiến lược này. Theo các cố vấn, Tổng thống dường như hứng thú với cuộc chiến đảo ngược kết quả bầu cử ở tòa án nhiều hơn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News phát sóng ngày 13/12, ông Trump vẫn tiếp tục từ chối chấp nhận chiến thắng của ông Biden, đồng thời khẳng định: "Không, cuộc bầu cử vẫn chưa qua". Tổng thống Trump đã nhiều lần đưa ra các cáo buộc chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử song cho tới nay, đội ngũ của ông vẫn chưa thu được bất kỳ thành quả đáng kể nào trong việc đảo ngược kết quả kiểm phiếu ở các bang.
Thế khó của Phó Tổng thống Mike Pence
Bên cạnh đó, phiên họp Quốc hội ngày 6/1 cũng đặt Phó Tổng thống Mike Pence vào thế khó khi ông buộc phải tuyên bố Tổng thống Trump đã thua trong cuộc bầu cử.
Theo Hiến pháp, Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm vai trò xác nhận số phiếu cuối cùng và tuyên bố người chiến thắng. Vì thế, ông Pence có thể sẽ bị kẹt giữa lòng trung thành với Tổng thống Trump và các nghĩa vụ của ông theo Hiến pháp.
Ông Pence có thể là Phó Tổng thống đầu tiên rơi vào vị thế khó xử này. Theo New York Times, lựa chọn duy nhất của ông Pence là không xuất hiện tại phiên họp này và để công việc giám sát phiên họp cho thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles E. Grassley của bang Iowwa, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền.
Các chuyên gia nhận định, ông Pence sẽ phải có những tính toán thận trọng về tương lai chính trị của mình khi cân nhắc đến khả năng tranh cử tổng thống năm 2024.