Nội dung trên đã được các cư dân đang sinh sống tại chung cư 129D Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán.
Được biết, trong Hợp đồng mua bán (tại điều 5, mục 2, điểm i) cũng cam kết: “Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà cho người mua thì bên bán phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua”.
Bên cạnh đó, tại điều 9, mục 2 của Hợp đồng, chủ đầu tư cũng khẳng định: “Khi bàn giao căn hộ cho bên mua, bên bán phải thông báo và cung cấp cho bên mua 1 bản sao Biên bản nghiệm thu đưa công trình nhà chung cư vào sử dụng theo quy định của pháp luật xây dựng để các bên xác định thời điểm bảo hành nhà ở”.
Theo đơn phản ánh của các cư dân, từ cuối năm 2017, những người mua nhà tại Trương Định Complex đã nhận được Biên bản bàn giao nhà do Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội 22 cấp với nội dung yêu cầu khách hàng nộp nốt số tiền 25% của tổng tiền mua nhà để nhận bàn giao căn hộ và về sinh sống tại chung cư.
Tuy nhiên cho đến nay đã gần 3 năm, những người mua nhà tại đây đã đóng đầy đủ các khoản tiền mà chủ đầu tư yêu cầu (tức là đóng đủ 95% số tiền giá trị căn hộ) nhưng vẫn chưa nhận được bản sao Biên bản nghiệm thu đưa công trình nhà chung cư vào sử dụng và không được chủ đầu tư làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (Sổ hồng) như đã cam kết.
Sau nhiều lần thắc mắc, họp với chủ đầu tư và với cả UNBD phường Trương Định, đại diện cho các cư dân gửi đơn thư - bà Huyền Anh cho biết: "Chúng tôi khá bất ngờ khi UBND phường khẳng định những cư dân đang sinh sống tại chung cư 129D Trương Định là “bất hợp pháp” bởi chủ đầu tư đang vướng mắc nhiều sai phạm, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, thi công sai thiết kế trong giấy phép xây dựng...".
Chính vì thế, UBND phường không thể làm các thủ tục hành chính như: cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, tạm vắng cho người dân.
Đồng thời, các hộ dân không thể xin xác nhận các giấy tờ sinh hoạt, không xin được học đúng tuyến cho các cháu đến tuổi đến trường, việc chuyển sinh hoạt Đảng, làm bảo hiểm, kê khai nhân khẩu… gặp muôn vàn khó khăn, vất vả.
Thậm chí, trong đợt Tổng điều tra dân số quốc gia năm 2019, 1.000 cư dân tại đây cũng không hề có cơ quan, tổ chức nào đến kiểm tra, xác nhận, hoàn toàn không có trong danh sách cư dân đang sinh sống.
Gần đây nhất là trong đại dịch Covid-19, các cư dân cũng không được các cơ quan y tế hay chính quyền đến kiểm tra theo dõi dịch bệnh, tuyên truyền để phòng chống…
Chị V., một cư dân sinh sống tại dự án bức xúc phản ánh: "Khi tìm hiểu về dự án, thấy họ rao bán trên mạng và giới thiệu rất nhiều thứ tốt đẹp như: Tầng 1 sẽ là siêu thị, nhà trẻ... nên đã vay mượn để nộp tiền mua nhà theo tiến độ. Tuy nhiên, đến khi vào ở thì thấy mọi thứ phiền toái. Để xin được cho con đi học đúng tuyến thì vợ chồng tôi phải lo được cái tạm trú. Không đơn giản chỉ có vậy, khi có tạm trú rồi thì cũng phải 'xin xỏ' các mối quan hệ".
Hồi tháng 6/2020, trước phản ứng của các cư dân, đã có cuộc họp 3 bên giữa phường, chủ đầu tư và ban đại diện các cư dân. Trong cuộc họp, các vấn đề đã được nêu ra và UBND phường cũng đã có đề nghị Chủ đầu tư sớm có phương án giải quyết vướng mắc để đảm bảo các thủ tục xác nhận cư trú cho các hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, cho tới nay, theo phản ánh của cư dân, việc giải quyết gần như dậm chân tại chỗ.
Phóng viên Báo Đầu tư đang liên hệ với chủ đầu tư, tuy nhiên, chưa nhận được phản hồi của đại diện của chủ đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới quý độc giả.