Đầu tháng 11, Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Sao Vàng bất ngờ báo cáo kết quả kinh doanh quý III với số vốn điều lệ tăng gấp đôi, từ 25 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, góp phần tăng thêm đáng kể “đệm đỡ” cho khoản lỗ lũy kế của Công ty đã kéo dài suốt nhiều kỳ báo cáo. Khoản vốn tăng thêm này được lấy từ túi chủ mới của Công ty - các chủ đầu tư đến từ Vũng Tàu đang đồng thời sở hữu CTCP Đầu tư Sao Vàng (Sao Vàng Group).
Có tiền thân là Công ty Quản lý quỹ Nhân Việt, Công ty Quản lý quỹ Sao Vàng được nhận mua trong tình cảnh lỗ nặng, “ăn” gần hết vốn điều lệ. Tính đến ngày 30/6/2013, khoản lỗ lũy kế của Công ty lên đến 19,2 tỷ đồng trên vốn điều lệ 25 tỷ đồng, khiến cho tổng tài sản của Công ty chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2013, Quản lý quỹ Sao Vàng báo cáo lỗ lũy kế 20,2 tỷ đồng
Mặc dù Sao Vàng nhận Quản lý quỹ Nhân Việt về khi chẳng còn tài sản gì đáng kể, nhưng khoản nợ ngắn hạn của công ty này cũng chỉ còn 260 triệu đồng - đủ để coi là tương đối “sạch” cho khởi đầu một mảng kinh doanh mới. Tính đến cuối quý III/2013, Quản lý quỹ Sao Vàng báo cáo lỗ lũy kế 20,2 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 30 tỷ đồng.
Công ty Quản lý quỹ An Bình cũng vừa công bố giảm lỗ khá ấn tượng sau khi đổi sang chủ mới trong quý vừa qua. Cụ thể, quý III/2013, Công ty ghi nhận khoản lỗ 89 triệu đồng, giảm đáng kể số lỗ gần 900 triệu đồng của nửa đầu năm và con số lỗ 300 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Việc giảm lỗ này dường như là kết quả cho những nỗ lực của những ông chủ mới trong việc xử lý nợ và các khoản mục hoạt động tài chính rắc rối từ chủ cũ. Hồi tháng 9 vừa qua, hai cổ đông lớn nhất của Công ty là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco - cổ đông chiến lược của rất nhiều doanh nghiệp gồm Ngân hàng TMCP An Bình, CTCP Chứng khoán An Bình) và ông Đào Mạnh Kháng - cựu Tổng giám đốc Công ty - đã bán lại toàn bộ số vốn cho bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Đào Mạnh Vương.
Theo BCTC quý III/2013, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty giảm mạnh, nhưng doanh thu tài chính lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cộng thêm khoản chi phí tài chính hoàn nhập 363 triệu đồng, nên các chi phí để duy trì hoạt động Công ty vẫn được bù đắp đáng kể.
Tính đến cuối quý III, vốn điều lệ của Công ty là 30 tỷ đồng, tổng tài sản gần 21 tỷ đồng, lỗ lũy kế 9 tỷ đồng; các khoản phải thu giảm từ 780 triệu đồng đầu kỳ xuống còn khoảng 180 triệu đồng; nợ phải trả cũng giảm từ 862 triệu đồng xuống còn 292 triệu đồng.
Việc nhiều công ty quản lý quỹ phải “bán mình” đã trở thành chuyện tất yếu ở ngành quản lý quỹ từ 1 - 2 năm trở lại đây khi TTCK và ngành tài chính nói chung lao dốc kéo dài. Tuy nhiên, việc “hồi sinh” lại những công ty quản lý quỹ này cũng không hề dễ, nhất là khi ngành quản lý quỹ vẫn đang vật lộn tìm hướng đi mới để có thể mang lại lợi nhuận. Bản thân nhiều công ty quản lý quỹ thuộc nhóm đầu cũng đang đối mặt với tình trạng lỗ.
Điển hình như Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng, tiền thân là Công ty Quản lý quỹ Chiến Thắng, sau hơn một năm được bán lại cho các chủ đầu tư Đài Loan của CTCK Phú Hưng, trong đó có ông Albert Kwang-Chin Ting, vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, thậm chí kết quả kinh doanh của Công ty còn có chiều hướng đi xuống.
BCTC gần đây nhất tính đến ngày 30/6, Công ty tiếp tục tăng lỗ lũy kế lên 13,2 tỷ đồng, so với con số 11,7 tỷ đồng hồi đầu năm 2013, trong khi vốn điều lệ vẫn giữ nguyên 28 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013 của Công ty thậm chí còn tăng gấp hơn hai lần, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần, lên hơn 2 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Quản lý quỹ An Phú sau khi về tay bà Nguyễn Thị Loan của CTCK Hòa Bình hồi năm 2011 và được đổi tên thành Công ty Quản lý quỹ Quốc tế cũng chưa tạo được dấu ấn gì trên thị trường ngành Quản lý quỹ. Trên cơ sở dữ liệu của UBCK không ghi nhận địa chỉ website của công ty này.