Đồng thời để đáp ứng nguồn vốn đầu tư trong năm nay, HĐQT cũng thống nhất sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ chia làm 2 phần, bao gồm phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP cho người lao động và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, HĐQT CTI dự kiến phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu thực hiện theo tỷ lệ 4,65%/lượng cổ phiếu đang lưu hành, hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Bên cạnh đó, CTI cũng dự kiến chào bán riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá bán trong khoảng 22.000-25.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 41%/lượng cổ phiếu lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2017 hoặc quý II/2017 sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Dự kiến tổng số tiền huy động từ đợt chào bán là 462 tỷ đồng.
Theo HĐQT CTI, nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng đầu tư cho dự án BT đường Vành đai quanh Hồ Trị An (Đồng Nai), dự án nhà ở xã hội tại Tam Hòa (Đồng Nai), đầu tư máy móc thiết bị cho mỏ đá Tân Cang 8, mỏ Xuân Hòa và mỏ Đồi Chùa 3, phần còn lại dùng để cơ cấu nợ ngắn hạn và nợ khác.
Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, theo CTI, phải đáp ứng năng lực tài chính cũng như cam kết đóng góp vào sự phát triển của CTI.
Theo ông Trần Như Hoàng, chủ tịch HĐQT CTI, hiện đã có nhiều quỹ làm việc và có ý định tham gia đợt chào bán và sẽ có thông báo sau khi kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ sắp tới, trong đó cổ đông lớn hiện hữu của CTI là quỹ VOF Investment Limited dự kiến đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu.
Cũng theo ông Hoàng, năm 2017, dự kiến doanh thu mảng xây lắp và thu phí sẽ tăng mạnh, trong đó mảng thu phí tăng chủ yếu đến từ dự án BOT quốc lộ 91 đã xong trạm cuối và công ty sẽ tiến hành thu phí tại dự án này. Ngoài ra, ở mảng đá, công ty đã đầu tư thêm 2 máy nghiền và dự kiến nâng gấp đôi công suất khai thác đá so với năm 2016.