Doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng
Dù trong quý II, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và đến nay vẫn còn rất phức tạp, nhưng doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục các khó khăn để duy trì đà tăng trưởng từ đầu năm. Doanh thu thuần và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của quý II/2021 lần lượt đạt 1.278,5 tỷ đồng (tăng 100 tỷ so với cùng kỳ năm 2020) và hơn 164,3 tỷ đồng (tăng 11,5 tỷ so với cùng kỳ năm 2020).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần lượt đạt 2.339,6 tỷ đồng (tăng 207,7 tỷ đồng so với năm ngoái) và hơn 317,7 tỷ đồng (tăng hơn 80 tỷ đồng so với năm 2020).
Tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực.
Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất của Nhựa Tiền Phong cho thấy tổng tài sản của doanh nghiệp tiếp tục tăng từ 1.678,8 tỷ đồng lên 2.558,2 tỷ đồng. Sự gia tăng tài sản này đến chủ yếu từ tăng giá trị hàng tồn kho, tiền và các khoản tương đương tiền.
Trong đó, hàng tồn kho chủ yếu là sự gia tăng nguồn nguyên liệu và hàng hóa thành phẩm đang trong quá trình vận chuyển.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, giá nguyên vật liệu nhựa có thể biến động thất thường. Để chuẩn bị cho tình huống tăng giá mạnh, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động tìm và nhập khẩu nguyên liệu nhựa dự trữ để ổn định sản xuất. Chính vì thế mà giá trị nguồn nguyên liệu trong mục hàng tồn kho tăng mạnh”, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong lý giải.
Trước đó, năm 2020, dù chịu sự tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19 và sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp cùng ngành, Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì được thị phần ở mức xấp xỉ 60% ở miền Bắc, tổng sản lượng đạt trên 90.000 tấn; doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong là 4.630 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trước thuế hơn 523 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 11% so với 2019. Nếu tính toàn bộ hệ thống Nhựa Tiền Phong trên toàn quốc thì doanh thu năm 2020 đạt gần 5.640 tỷ đồng.
|
Thực hiện phun khử khuẩn định kỳ toàn bộ công ty và nhà máy. |
Đồng lòng cùng hướng tới “Mục tiêu kép”
Là doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa của Việt Nam với hơn 1.300 cán bộ, công nhân viên, Nhựa Tiền Phong ý thức được trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thức, Bí thư Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc Nội chính Nhựa Tiền Phong cho biết: “Công ty rất quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh vì chỉ cần có một trường hợp nhiễm dịch xảy ra tại đơn vị thôi sẽ kéo theo hàng loạt các hệ luỵ khác như cách ly toàn bộ cán bộ công nhân viên ngừng sản xuất, bán hàng, khử khuẩn… đồng nghĩa ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện ở trên toàn hệ thống văn phòng, nhà xưởng của Nhựa Tiền Phong. Mọi người lao động đều được phát khẩu trang y tế.
Nước sát khuẩn được bố trí ở tất cả những điểm có đông người qua lại. Đối với khách hàng đến giao dịch, liên hệ công tác, đội ngũ lái xe đều được kiểm soát y tế chặt chẽ để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài.
Công ty cũng thường xuyên phun khử khuẩn toàn bộ khu nhà điều hành, khu dịch vụ khách hàng, khu giám sát hàng hoá, vận chuyển, khu nhà bảo vệ và tất cả các phương tiện ra vào công ty. Kịch bản ứng phó phòng chống dịch với các cấp độ và hướng dẫn cách ly cụ thể với từng F cũng đã được xây dựng và được đoàn kiểm tra quận Dương Kinh đánh giá cao, rất ít nguy cơ lây nhiễm.
Đặc biệt, tại văn phòng và nhà máy của Nhựa Tiền Phong phía Nam đặt tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã áp dụng chế độ làm việc đặc biệt từ trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo đó, khối văn phòng được làm việc tại nhà; còn tại nhà máy sản xuất ở Bình Dương, toàn bộ công nhân đều được xét nghiệm Covid-19 định kỳ hàng tuần và được cung cấp các vật dụng sinh hoạt cá nhân, trang bị đầy đủ trang thiết bị tại nơi lưu trú.
|
Hàng tuần, người lao động ở tại nhà máy sẽ được xét nghiệm Covid một lần để đảm bảo phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. |
“Hiện tại nhà máy ở Bình Dương, chúng tôi đang áp dụng phương pháp ‘3 tại chỗ’, hỗ trợ nơi lưu trú, sinh hoạt và nghỉ ngơi, đảm bảo nguyên tắc 5K cho hơn 100 người lao động tại đây. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ thêm thực phẩm bổ sung (trái cây, sữa,...) để động viên và tăng cường sức khoẻ cho người lao động”, ông Vũ Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Sản xuất - Kỹ thuật Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam cho biết.
Chính nhờ các biện pháp này nên đến nay, toàn bộ người lao động của Nhựa Tiền Phong tại cả 03 miền Bắc - Trung - Nam đều được đảm bảo về sức khoẻ, chưa phát hiện ca lây nhiễm và trên hết là được đảm bảo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Không chỉ quan tâm đến sức khoẻ và đời sống của người lao động trong doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong công tác phòng chống dịch, đầu tháng 6/2021, Nhựa Tiền Phong đã ủng hộ 03 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, đoàn công tác của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng đã đến thăm hỏi, động viên các y sỹ, bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và trao tặng số tiền 100 triệu cho Bệnh viện với mong muốn chia sẻ phần nào những khó khăn của các y sỹ, bác sỹ đang lo lắng ngày đêm cho sức khoẻ của nhân dân.
Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong, ông Chu Văn Phương khẳng định: “Trong tình hình dịch bệnh chung của toàn xã hội, Nhựa Tiền Phong mong muốn được sẻ chia một phần với các khách hàng, đối tác nói riêng và cộng đồng nói chung. Đây vừa là tinh thần trách nhiệm vừa là là sự tri ân của Nhựa Tiền Phong dành cho những bạn hàng, đối tác đã và đang đồng hành cùng sự phát triển của Công ty.