CTCP Đầu tư bất động sản Thuận Thành: Huy động vốn để… chiếm dụng

(ĐTCK) Bỏ ra hàng trăm triệu “góp vốn” mua nhà nhưng những gì nhận lại chỉ là lời hứa suông. Một số khách hàng đã tính tới chuyện… khởi kiện Công ty Thuận Thành sau 4 năm dài không đòi lại được vốn đã góp.
CTCP Đầu tư bất động sản Thuận Thành: Huy động vốn để… chiếm dụng

Đã 5 năm kể từ khi Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động Sản Thuận Thành ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với TCT Xây dựng Trường Sơn – Binh đoàn 12, thuộc Bộ Quốc phòng, để đầu tư xây dựng một dự án nhà chung cư (9.000 m2 thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), không có bất cứ một hoạt động nào cho thấy dự án chung cư sẽ được khởi động trong thời gian tới. Khách hàng góp vốn giờ chỉ mong ngóng đòi được vốn đã góp nhưng vẫn… “bóng chim, tăm cá”.

Thậm chí, mới đây, Thuận Thành hứa sẽ trả 50% số tiền vay vào ngày 25/10/2015 và đến ngày 25/11/2015 sẽ trả nốt một nửa còn lại kèm theo tiền lãi và tiền phạt đã được ghi trong hợp đồng. Nhưng chỉ trước thời hạn kể trên hai tuần, ngày 10/10/2015, Công ty ra thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Một lần nữa lời hứa lại không được thực hiện và Thuận Thành lại đề nghị lui thời hạn rút vốn đến tận năm sau.

Lách luật tìm vốn

Ngay sau khi ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Binh đoàn 12, Thuận Thành đã sử dụng hợp đồng đó để huy động vốn từ những người đang có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội, ngay cả khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch được duyệt của dự án và giấy phép xây dựng. Nói là huy động vốn nhưng cũng giống như nhiều dự án bất động sản khác cùng thời điểm, đó chỉ là cách lách luật của Thuận Thành nhằm bán nhà từ khi dự án còn chưa được phép bán. Bởi lẽ, số vốn vay trong các hợp đồng đó bằng đúng với giá trị căn hộ mà người cho vay sẽ được ưu tiên mua tại dự án chung cư, và tiến độ giải ngân được chia làm 5 lượt tương ứng với tiến độ thực hiện dự án mà phía Thuận Thành đưa ra.

Hầu hết những “nhà đầu tư” đã chuyển 20% giá trị căn hộ cho Thuận Thành. Ngoài ra, họ cũng phải đóng một khoản “tiền chênh” dao động khoảng từ 1,5-2 triệu đồng cho mỗi m2 diện tích căn hộ mà họ định mua. Số tiền chênh đó được giải thích là vì dự án có mục đích chính dành cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và cán bộ công nhân viên của Binh đoàn 12, vì vậy những người không thuộc đối tượng này sẽ phải trả thêm một khoản tiền nữa. Tất nhiên số tiền này không được ghi vào trong hợp đồng vay vốn.

Cam kết trong các hợp đồng vay vốn của Thuận Thành lúc bây giờ là sẽ khởi công xây dựng dự án trong tháng 6 năm 2010 và hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, cam kết đó chưa bao giờ được thực hiện. Dưới sức ép của những người góp vốn vào dự án, Công ty Thuận Thành đã liên tục hứa sẽ khởi công xây dựng dự án trong các năm 2012 và 2013 sau đó, nhưng tất cả lời hứa đó chỉ theo gió bay đi.

20 “nhà đầu tư” đã quyết định gửi đơn tố cáo hành vi mà họ cho là lừa đảo” và chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp” của Công ty Thuận Thành tới các cơ quan chức năng.

Thực tế mãi đến tận tháng 11/2014, UBND TP Hà Nội mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trên, theo thông báo của chính Thuận Thành. Và nếu như mọi chuyện suôn sẻ thì cũng phải đến tháng 12 năm nay các thủ tục về cấp phép xây dựng cũng mới được hoàn tất.

Có một câu hỏi được đặt ra là, nhiều tỷ đồng mà Thuận Thành huy động được từ những người muốn mua nhà từ thời điểm đó đã đi đâu? Ngay cả khi thời hạn cho vay là 42 tháng đã hết, Thuận Thành cũng chưa trả lại số tiền đó cùng với lãi suất cam kết 6% mỗi năm và khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng cho người dân.

Khách hàng bị lừa?

“Chúng tôi bị lừa” anh Vũ Trung Dũng, một trong 20 “nhà đầu tư” cay đắng nói. Theo hợp đồng, anh Dũng đã chuyển cho Thuận Thành 192 triệu đồng và một khoản tiền chênh cũng 192 triệu (không được ghi vào trong hợp đồng). Tổng cộng anh đã chi 384 triệu vào dự án trên.

Cũng giống như anh Dũng, anh Đặng Huy Hùng đã chuyển cho Cty Thuận Thành 320 triệu đồng, nhưng tất cả những gì nhận lại được cho đến nay chỉ là sự lo lắng và thất vọng.

“Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Cty Thuận Thành để yêu cầu thanh toán khoản tiền vay vốn. Tuy nhiên, Thuận Thành không thanh toán mà cố tình chiếm dụng vốn, cố tình chiếm đoạt tài sản”, anh Hùng nói.

Chỉ tính riêng số tiền 20 “nhà đầu tư” chuyển cho Thuận Thành, (cộng cả số tiền chênh) đã lên tới 6,82 tỷ đồng. Trong khi đó tổng số khách hàng góp vốn vay vào Cty Thuận Thành để mua nhà là hơn 190 người. Nếu mang số tiền huy động được đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng thời điểm năm 2010, số lãi thu mà Thuận Thành thu được cũng không hề nhỏ, do mức lãi suất cam kết với khách hàng trong hợp đồng chỉ là 6% một năm. Đó là chưa kể đó số tiền nhiều tỷ đồng đó có thể bị chiếm dụng sử dụng vào mục đích kinh doanh khác.

Theo anh Dũng, kể từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục cuộc họp được tổ chức giữa những người cho vay vốn và Công ty Thuận Thành, nhưng chưa lần nào đạt được kết quả.

“Lần nào họ cũng hẹn rồi lại xin lui. Chúng tôi đã mất lòng tin quá nhiều rồi,” anh Dũng nói.

Chính vì vậy, 20 “nhà đầu tư” đã quyết định gửi đơn tố cáo hành vi mà họ cho là “lừa đảo” và “chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp” của Công ty Thuận Thành tới các cơ quan chức năng. Xa hơn, 20 khách hàng cũng tính chuyện khởi kiện ra tòa, hi vọng lấy lại được số tiền họ đã mất trước đó.

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Luật sư Công ty Luật Châu Á, người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho 20 “nhà đầu tư” kể trên, thì dấu hiệu của hành vi lừa đảo của Thuận Thành được thể hiện ngay khi huy động vốn của những người mua nhà khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục pháp lý khác để thực hiện dự án. Trong khi trì hoãn không trả lại các khoản tiền vay sau khi hết hạn lại là biểu hiện của việc chiếm dụng tài sản, ông Sơn khẳng định.

Ngọc Linh
DDDN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục