Lợi nhuận năm 2019 tăng nhẹ
Báo cáo tài chính tự lập quý IV/2019 của VNS cho biết, kết thúc năm 2019, Công ty đạt 1.991,2 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,96% so với năm 2018. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn, ở mức 5,6%, giúp lợi nhuận gộp đạt 424,9 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.
Đối với mảng vận tải hành khách theo hợp đồng, doanh thu năm 2019 giảm 11,45%, biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp xuống 15,6% từ mức 19,9% của năm 2018, nhưng do tỷ trọng đóng góp nhỏ, chỉ 12,1% doanh thu, sự sụt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến biên lợi nhuận gộp hợp nhất của VNS, đạt 21,3%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2018.
Đối với hoạt động tài chính, VNS ghi nhận tín hiệu tích cực với chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay, giảm 25,4% so với năm 2018, xuống còn 42,4 tỷ đồng, nhờ dư nợ vay và thuê tài chính cùng có xu hướng giảm.
Tính đến 31/12/2019, tổng nợ vay và thuê tài chính của Công ty là 571,8 tỷ đồng, chiếm 21,8% cơ cấu nguồn vốn, giảm 137 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngược lại, nguồn tiền của VNS được cải thiện với số dư tiền và tương đương tiền đến cuối năm 2019 là 226,5 tỷ đồng, tăng 58,8 tỷ đồng so với đầu năm.
Mặc dù số dư tiền tăng giúp doanh thu tài chính của VNS tăng hơn 2 lần trong năm qua, nhưng vẫn khá thấp so với mức chi phí lãi vay phải trả.
Nguyên nhân là do nguồn lực dự trữ của Công ty còn mỏng, lượng tiền hiện chủ yếu nằm ở các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu đầu tư xe và bổ sung vốn lưu động, chưa có các khoản tiền gửi kỳ hạn dài, do đó thu nhập từ lãi tiền gửi thấp.
Dù sao, sự tăng trưởng của lợi nhuận gộp, sự kéo giảm chênh lệch giữa doanh thu và chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng được tiết giảm đã giúp VNS ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính đạt hơn 46,7 tỷ đồng trong năm 2019, tăng mạnh so với con số 10 tỷ đồng năm 2018.
Kết quả này bù đắp sự sụt giảm trong khoản thu nhập khác như thanh lý xe, quảng cáo trên taxi để Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 139 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2018 và vượt 11,6% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 108,7 tỷ đồng.
So với thời kỳ hoàng kim 2014 - 2016, mức lợi nhuận năm 2019 của VNS chỉ bằng một phần ba và cần chờ báo cáo kiểm toán chốt con số lợi nhuận chính thức, nhưng kết quả từ báo cáo tự lập là tín hiệu tích cực ghi nhận sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp sau 3 năm giảm liên tiếp.
Thuận lợi và khó khăn trong niên độ mới
Bước sang năm 2020, một số yếu tố đang được đánh giá sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của VNS.
Thứ nhất, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 có nhiều điểm mới.
Trong đó, đáng chú ý là quy định mức xử phạt vi phạm hành chính được đánh giá khá nặng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (bao gồm ôtô, xe máy, xe đạp điện…) có nồng độ cồn trong người đã và đang tác động mạnh đến nhận thức của người dân.
Trong khi những doanh nghiệp sản xuất bia rượu lo ngại về việc suy giảm sản lượng tiêu thụ, thì các quy định mới nêu trên được đánh giá là cơ hội cho những doanh nghiệp vận tải hành khách cá nhân tăng lượng hành khách vận chuyển.
Thứ hai, cơ quan quản lý siết chặt quản lý các đơn vị vận tải công nghệ. Sau hơn 2 năm soạn thảo với nhiều lần lấy ý kiến, ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.
Nhiều chuyên gia đánh giá, dù Nghị định 10 chưa giải quyết rõ ràng vấn đề quản lý kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ và nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước của loại hình này, nhưng quy định, định nghĩa rõ hơn taxi truyền thống hay taxi công nghệ, đưa điều kiện kinh doanh giữa 2 loại hình lại gần nhau hơn, từ đó làm nền tảng cho các quy định mới, từng bước tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn giữa hai loại hình.
Thực tế, sau giai đoạn thâm nhập thị trường và giành thị phần với chiến lược giá rẻ, khuyến mãi thường xuyên, thời gian qua, thị trường ghi nhận việc Grab giảm đáng kể khuyến mãi với khách hàng gọi xe trong bối cảnh mở thêm nhiều lĩnh vực mới như giao đồ ăn nhanh, thanh toán trực tuyến.
Khoảng cách về giá giảm sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các hãng taxi truyền thống như VNS.
Thứ ba, giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm mạnh, khi mất hơn 20% giá trị chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2020. Với chi phí nhiên liệu chiếm từ 40 - 50% cấu trúc chi phí của đơn vị vận tải, việc giá dầu thế giới giảm sẽ kéo theo xu hướng giảm của giá xăng dầu trong nước, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.
Trong khi điều kiện kinh doanh đang có những yếu tố tích cực, nhưng VNS vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức trong niên độ mới.
Chẳng hạn, giá dầu giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm sức ép chi phí đầu vào, nhưng nguyên nhân của giá dầu giảm đến từ ảnh hưởng bởi dịch cúm tại Trung Quốc.
Lo ngại dịch bệnh có thể làm giảm lượng khách du lịch cũng như nhu cầu đi lại của người dân, qua đó làm giảm lượng hành khách của các đơn vị vận tải như VNS.
Đáng lưu ý, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của VNS đến nay dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Mặc dù đã xây dựng ứng dụng gọi xe với kỳ vọng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tự taxi công nghệ từ nhiều năm qua, tích hợp khả năng thanh toán đa dạng, nhưng so với nhiều ứng dụng taxi công nghệ khác, ứng dụng của VNS vẫn chưa được người tiêu dùng sử dụng phổ biến.
Trong khi đó, công nghệ đang được đánh giá là yếu tố then chốt tạo nên lợi thế canh tranh cho các đơn vị vận tải trong việc tiếp cận người tiêu dùng.
Nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn
Trái ngược với những tín hiệu tích cực về lợi nhuận trong năm qua, trên thị trường, thị giá cổ phiếu VNS gần đây vẫn trên đà đi xuống.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/2/2020 tại 9.490 đồng/cổ phiếu, thị giá sau điều chỉnh cổ tức đã giảm 40% so với đầu năm 2019.
Mức giảm giá của cổ phiếu VNS chủ yếu diễn ra từ đầu tháng 12/2019 đến nay, với khoảng 27%.
Đây cũng là giai đoạn khối ngoại bán ròng cổ phiếu VNS, khoảng 2,66 triệu đơn vị, tương đương 3,9% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, hầu hết thông qua giao dịch khớp lệnh.
Tính đến ngày 10/2/2020, khối ngoại sở hữu 20,35% vốn của VNS, mỗi nhà đầu tư sở hữu dưới 5% và không tham gia vào Hội đồng quản trị cũng như Ban tổng giám đốc, đồng nghĩa với việc họ không cần công bố thông tin nếu giao dịch trong thời gian tới.
Với khoảng gần 6.000 đầu xe đang hoạt động, VNS hiện là một trong những là công ty taxi truyền thống lớn nhất tại khu vực phía Nam, chiếm thị phần lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Ngoài giá trị thương hiệu, doanh nghiệp còn sở hữu cấu trúc tài chính mạnh với tỷ lệ nợ vay thấp, dòng tiền kinh doanh tốt, đáp ứng nhu cầu đầu tư thay thế xe và trả cổ tức tiền mặt hàng năm cho cổ đông.
Trong bối cảnh chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với những hãng taxi công nghệ, thị trường ghi nhận VNS đã nỗ lực cải tổ, tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới, chuyển mô hình từ quản lý xe sang kết hợp với nhượng quyền với tài xế, tăng cường thu nhập các hoạt động khác như quảng cáo...
Những nỗ lực này phần nào đã đem lại hiệu quả, thể hiện lợi nhuận ngừng suy giảm và dần hồi phục qua từng quý trong năm 2019.
Tuy vậy, trong khi quá trình vượt khó diễn ra với tốc độ chậm, doanh thu vẫn đang giảm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh còn mỏng, những giải pháp kinh doanh được đánh giá mới chỉ giúp VNS chống chọi với môi trường kinh doanh bị công nghệ thay đổi, chưa đem lại hiệu quả đột biến.
Việc thị giá cổ phiếu ngày càng đi xuống cho thấy, nhà đầu tư dường như đang dần mất kiên nhẫn đối với cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp đầu ngành, từng được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh lớn này.