CTCK tung chiêu thu hút khách hàng

(ĐTCK) Dự đoán thị trường sôi động trở lại, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã tung chiêu thu hút khách hàng.
CTCK tung chiêu thu hút khách hàng

Đòn bẩy tài chính hút khách hàng

Một trong những điểm đáng chú ý là dịch vụ smart T+ của CTCK VNDirect (VNDS). Dịch vụ này cho phép khách hàng của VNDS được mua chứng khoán trên tài khoản margin đến cuối ngày T+4 mới bắt đầu tính lãi. Lãi suất của dịch vụ là 18%/năm, cao hơn lãi suất thấp nhất mà nhiều CTCK khác đang áp dụng là 14,5%/năm. Tuy nhiên, nếu tính cụ thể từng giao dịch, nhất là giao dịch ngắn hạn, thì việc miễn lãi suất đến ngày T+4 là lợi thế lớn cho các NĐT trong giai đoạn thị trường hiện nay. Dịch vụ này giúp NĐT tối đa hóa lợi nhuận nhờ giao dịch ngắn hạn với chi phí thấp, thay vì phải trả phí sau ngày T+2. Cụ thể, nếu NĐT sử dụng margin smart T+ đến ngày T+10 thì lãi suất là 13,5%/năm.

CTCP Chứng khoán FPT hôm 2/1 cũng đã giảm lãi suất giao dịch ký quỹ và lãi suất ứng trước xuống còn 0,045%/ngày  (tương đương 16,5%/năm) so với lãi suất trước đó là 0,05%/ngày. Trong khi đó, hai CTCK lớn là HSC và SSI vẫn duy trì lãi suất margin và ứng trước là 0,05%/ngày.

CTCK tung chiêu thu hút khách hàng ảnh 1

NĐT trong nước đang có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu thị giá nhỏ, được gọi là các siêu peny

Lãi suất dịch vụ chứng khoán đang có xu hướng giảm nhờ mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường giảm. Mặt khác, các công ty đang cố duy trì lãi suất cạnh tranh khi các NĐT có xu hướng giao dịch nhanh, ngắn hạn trên thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, đây mới là các biện pháp cạnh tranh trên bề nổi.

Một số CTCK chấp nhận cho vay giao dịch ký quỹ đến 50% với một số mã cổ phiếu nhất định. Tuy nhiên, phần vượt tỷ lệ đó không tính vào giao dịch ký quỹ, mà lại thỏa thuận bằng các hợp đồng vay vốn riêng, hoặc hợp tác đầu tư để tránh vượt tỷ lệ giao dịch ký quỹ tối đa theo quy định pháp lý.

Thông tin đáng chú ý từ các môi giới chuyên nghiệp là một số mã “nóng” đã được cho margin lên tới tỷ lệ 1/1, thậm chí 1/3, tức nếu có chứng khoán trị giá 1 tỷ đồng, NĐT được vay thêm 1 tỷ đồng nữa hoặc vay thêm 3 tỷ đồng. Điều này cho thấy, cơ hội đang đi kèm rủi ro lớn của các cổ phiếu “nóng”.

Cho đến nay, nhận định từ một số CTCK như Bản Việt, Maritimebank là thị trường có thể tăng lên 430 điểm trong quý I/2013. Lực mua của các NĐT nước ngoài ở các cổ phiếu blue-chip thể hiện qua lệnh ATC lớn phiên 3/1 cũng cho thấy những kỳ vọng về một đợt tăng điểm dài hơi hơn. Tuy nhiên, những NĐT trong nước đang có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu thị giá nhỏ, được gọi là các siêu peny. Như bất kỳ đợt tăng điểm nào của thị trường, những cổ phiều này có thể mang lại siêu lợi nhuận, nhưng cũng là những cái bẫy lớn bởi dòng tiền vào những cổ phiếu như vậy đến khá nhiều từ vốn vay.

 

Xu hướng tổ chức môi giới kiểu… đa cấp

Ngoài dịch vụ, một xu hướng tổ chức hệ thống môi giới chứng khoán được nhắc tới gần đây là tổ chức theo kiểu… đa cấp. Cụ thể, CTCK không trực tiếp trả lương cho môi giới, mà chỉ ký hợp đồng làm việc với họ. Môi giới sẽ hưởng phần trăm trên doanh thu giao dịch của khách hàng mình chăm sóc. Với cấp phụ trách cao hơn hay nhóm trưởng của nhóm môi giới, người tổ chức ra nhóm môi giới do mình quản lý sẽ được hưởng phần trăm trên doanh thu của từng thành viên.

Không chính thức, nhưng mô hình này đã và đang hoạt động khá hiệu quả ở một vài CTCK khi từng nhóm có thể xây dựng các chính sách ưu đãi bổ sung phù hợp với từng loại khách hàng, nhất là khách hàng lớn. Tỷ lệ vay vốn của các khách hàng lớn có thể cao hơn tỷ lệ cho vay của các khách hàng thông thường, với lãi suất ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro nếu nhóm môi giới này bật đèn xanh cho các “đội lái” để làm “nóng” một số mã cổ phiếu và dùng chính thông tin này để tư vấn cho các khách hàng khác đầu tư cổ phiếu nhằm kiếm lời ngắn hạn. Xu hướng tổ chức môi giới kiểu này mang lại sự an toàn cho CTCK khi gần như chỉ phải trả lương nhân sự nếu họ có đóng góp doanh thu cho công ty.

Trong bối cảnh TTCK dự báo còn nhiều khó khăn năm 2013, khả năng nhiều CTCK sẽ áp dụng hệ thống môi giới này, tạo áp lực cạnh tranh mạnh hơn cho đội ngũ nhân sự, không chỉ giữa các CTCK với nhau, mà còn giữa chính nhân sự của cùng một CTCK.

Thuận An
Thuận An

Tin cùng chuyên mục