CTCK tìm vị ngọt trong viên kẹo đắng

(ĐTCK) Tuy TTCK hiện được ví như “viên kẹo đắng”, nhưng nếu CTCK đánh giá tiềm năng DN chuẩn xác, thì vẫn có thể tìm được “vị ngọt” cho các dịch vụ của mình.
CTCK tìm vị ngọt trong viên kẹo đắng

Động thái của cơ quan quản lý tạo điều kiện cho DN được phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đang tạo ra hy vọng về một điểm tựa tài chính cho các DN niêm yết. Các CTCK cũng kỳ vọng đây là cơ hội với dịch vụ tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành trong bối cảnh TTCK vẫn “luẩn quẩn” trong giai đoạn trầm lắng.

Cơ hội trong khó khăn

Cuối năm 2012, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) thực hiện phát hành cổ phiếu với giá bằng 1/2 giá trị sổ sách. Vậy nhưng, bối cảnh thị trường xấu, để đảm bảo cho sự thành công của đợt phát hành, TTF vẫn cần đến một đơn vị bảo lãnh uy tín và TTF đã lựa chọn CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Khi SHS thông báo cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành cho TTF, không ít người cho rằng, SHS mạo hiểm khi ký hợp đồng này, bởi TTCK chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, lịch sử hoạt động của TTF cho thấy, DN có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá bền vững, đầu tư theo đúng ngành nghề trọng tâm và được các NĐT nước ngoài quan tâm.

CTCK tìm vị ngọt trong viên kẹo đắng ảnh 1

Không ngoài dự đoán của tổ chức phát hành và tổ chức bảo lãnh, cùng với sự trồi sụt của TTCK những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, quá trình huy động vốn không đơn giản khi giá phát hành cổ phiếu TTF là 5.000 đồng/CP có thời điểm sát thị giá trên sàn. Kết quả là trong 19.686.571 cổ phần phát hành thêm, cổ đông hiện hữu chỉ mua 7.257.174 cổ phần, còn lại 12.429.397 cổ phần cổ đông không thực hiện quyền.

Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước đối với những rủi ro thị trường và quá trình thăm dò nhà đầu tư, cũng như việc đánh giá một cách đúng mực và chắc chắn về đợt huy động vốn của tổ chức bảo lãnh phát hành, đến ngày 21/3/2013, SHS đã hoàn tất việc lựa chọn được một số nhà đầu tư tổ chức có khả năng đóng góp tốt nhất cho khách hàng của mình để phân phối toàn bộ 12.429.397 cổ phiếu TTF còn lại. Ngoài ra, tiềm năng phát triển và hoạt động của TTF cũng như phương án sử dụng vốn rõ ràng cũng là cơ sở đảm bảo cho đợt chào bán thành công. Điều này được khẳng định qua thị trường khi thị giá TTF hiện nay khá ổn định, đang đạt trên dưới 6.000 đồng/CP và SHS vẫn tiếp tục nhận được nhiều đề nghị của các nhà đầu tư về việc mua cổ phiếu TTF lô lớn, mặc dù đợt chào bán đã kết thúc.

Câu chuyện của SHS và TTF cho thấy, trong khó khăn, nếu CTCK đánh giá tiềm năng DN chuẩn xác, thì vẫn có cơ hội cho hoạt động bảo lãnh phát hành.

 

Vị ngọt không dễ tìm

Bảo lãnh phát hành từng là hoạt động kinh doanh hấp dẫn, mang lại nguồn lợi cao trong những năm 2005 - 2007, khi TTCK ổn định và phát triển. Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến những trường hợp CTCK chịu rủi ro lớn khi thực hiện nghiệp vụ này, do không nghiên cứu kỹ và đánh giá DN một cách đúng mực, hoặc DN được bảo lãnh phát hành không minh bạch, thiếu trung thực, hoạt động không dựa trên ngành nghề chính. Điều này cùng với những diễn biến không thuận lợi của TTCK trong vài năm gần đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng chào bán thành công không cao và một số tranh chấp xảy ra.

Nhìn nhận về triển vọng của dịch vụ bảo lãnh phát hành, giới chuyên môn cho rằng, TTCK năm 2013 còn nhiều khó khăn, các DN niêm yết vẫn phải oằn mình chống chọi với suy giảm kinh tế. Theo đó, khó có thể nói có cơ hội khởi sắc cho các dịch vụ tư vấn tài chính hay bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, UBCK hiện nay đã tạo điều kiện cho một số DN được phép chào bán dưới mệnh giá (phù hợp với giá thị trường), đây chính là điểm then chốt và là điểm tựa tài chính mà các DN cần nắm lấy trong giai đoạn này.

Vậy những yếu tố nào có thể giúp cho việc phát hành được thành công? Trước hết, đó phải là thực lực trong kinh doanh cùng sự minh bạch, trung thực trong việc công bố thông tin của tổ chức phát hành. Việc lựa chọn thời điểm chào bán cũng như quá trình thăm dò mức độ quan tâm của các NĐT trước khi triển khai cũng là một trong những yếu tố tiên quyết cho khả năng thành công. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức phát hành với nhà tư vấn có vai trò không kém phần quan trọng.

Với các CTCK, tính minh bạch của DN, bao gồm minh bạch tài chính, minh bạch về đầu tư (đảm bảo nguồn  vốn huy động được sử dụng đúng mục đích), cùng với đó là việc đánh giá một cách cẩn trọng nhất về quản trị DN cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo thành công của hợp đồng bảo lãnh phát hành.

Với quan điểm như vậy, những DN đã khẳng định được thương hiệu riêng, có hoạt động kinh doanh chính ổn định, hoạch định được chiến lược hoạt động dài hạn, minh bạch trong công bố thông tin sẽ là nơi CTCK có thể tìm được “vị ngọt” cho các dịch vụ của mình trong một thị trường còn được ví như “viên kẹo đắng”.

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục