CTCK “nín thở” khi thoát kiểm soát đặc biệt

(ĐTCK) Để thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, các CTCK đã phải trải qua cuộc “đại phẫu” khá “đau đớn”. Tuy nhiên, an toàn tài chính của CTCK vẫn mong manh.
CTCK “nín thở” khi thoát kiểm soát đặc biệt

CTCK “nín thở” khi thoát kiểm soát đặc biệt ảnh 1

Kết quả kinh doanh chưa được cải thiện

Trong số 6 CTCK đầu tiên bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào diện kiểm soát đặc biệt năm ngoái, có 3 CTCK gồm: Hà Nội, Trường Sơn và Delta (Cao su) đang hoàn tất thủ tục xóa sổ hoạt động, có 2 CTCK thoát “án” kiểm soát đặc biệt thành công là CTCK Vina (VNSC), CTCK Đà Nẵng (DNSC) và giữa năm nay có thêm CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS).

Để thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, các CTCK đã phải trải qua cuộc “đại phẫu” khá “đau đớn”: cắt giảm nhân sự và nghiệp vụ kinh doanh, đóng cửa bớt văn phòng giao dịch…, nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động, giảm chi phí, qua đó đưa chỉ tiêu vốn khả dụng đạt ngưỡng an toàn theo quy định. Sau khi thoát “án” kiểm soát đặc biệt, TTCK tiếp tục có diễn biến kém khả quan nên kết quả kinh doanh của các CTCK vẫn chưa được cải thiện.

VNSC có sự hậu thuẫn của VinaCapital, nhưng theo kết quả kinh doanh quý III/2013 mà Công ty vừa công bố, VNSC lỗ 1,7 tỷ đồng, đưa mức lỗ 9 tháng đầu năm lên 12,5 tỷ đồng. Doanh thu khiêm tốn, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh quá cao là nguyên nhân chính khiến VNSC bị lỗ.

Hai CTCK còn lại có mức lãi không đáng kể trong quý III/2013. Cụ thể, DNSC lãi 109 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 214 triệu đồng. Doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn, tư vấn và doanh thu khác giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

VICS lãi 286 triệu đồng trong quý III/2013, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,6 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu quý III/2013 của VISC cho thấy, mảng kinh doanh xương sống đối với các CTCK là môi giới chỉ mang lại 409 triệu đồng trong tổng số 3,5 tỷ đồng doanh thu. Chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất là mảng đầu tư chứng khoán, góp vốn, với gần 2,9 tỷ đồng.

 

Mong manh an toàn tài chính

Với tình cảnh tiếp tục kinh doanh thua lỗ, hoặc lãi không đáng kể, cách nào để VNSC, DNSC và VICS đạt được mức lãi khả quan hơn là thách thức lớn trong quý IV/2013, nhất là trong bối cảnh TTCK vẫn chưa có những tín hiệu khởi sắc rõ nét. Nếu không vượt qua được thách thức này, thì nguy cơ mất an toàn tài chính vẫn treo lơ lửng trên đầu các đơn vị này.

Sở dĩ như vậy là bởi hiện trạng an toàn tài chính của VNSC, DNSC và VISC đang khá mong manh. Cập nhật mới nhất về tỷ lệ an toàn tài chính tính đến hết tháng 6 năm nay, trong số 3 CTCK thoát “án” kiểm soát đặc biệt, thì VNSC đạt tỷ lệ thấp nhất là 179%, tiếp đến là VISC đạt hơn 189% và DNSC là 222%.

Như vậy, nguy cơ tái diễn mất an toàn tài chính đối với VNSC là đáng báo động hơn cả, nhất là khi hết quý III/2013, VNSC hụt gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu, bởi có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến âm gần 166 tỷ đồng/185 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Đến hết quý III/2013, VICS cũng đã “ăn” vào vốn đầu tư của chủ sở hữu hơn 141 tỷ đồng, con số này tại DNSC là 14,7 tỷ đồng.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các CTCK diễn ra ngày càng gay gắt, với hiện trạng an toàn tài chính thiếu vững chắc, nguồn vốn hoạt động hạn hẹp, thì cửa “sống” cho các CTCK từng bị kiểm soát đặc biệt đang chịu nhiều sức ép.

Lãnh đạo một số CTCK chia sẻ, trong khi chưa dễ cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia tăng chỉ tiêu an toàn tài chính, công ty phải chọn hướng đi theo thế thủ. Công ty gần như “nín thở”, không dám đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ như tự doanh, cho vay margin, mà chỉ cố gắng phát triển các mảng kinh doanh ít rủi ro như môi giới, tư vấn. Chiến thuật này có thể bỏ lỡ hội hồi phục nhanh cho công ty, nhưng ở chiều ngược lại, nó đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho hoạt động, giúp công ty có thời gian tích lũy thêm nguồn lực để đón đầu thời cơ khi TTCK có diễn biến thuận lợi hơn.

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục