CTCK khó M&A hơn ngân hàng

(ĐTCK) Hoạt đông M&A đang diễn ra rất sôi động, tuy nhiên, dù đã có riêng Đề án tái cấu trúc, nhưng đến nay các CTCK chưa có thương vụ M&A nội khối nào được thực hiện.

Trên 400 thương vụ có tổng giá trị 4,7 tỷ USD là những con số thống kê về hoạt động M&A 2011 vừa được Nhóm Nghiên cứu M&A Vietnam Forum (AVM) công bố trong Cuộc họp báo Diễn đàn M&A 2012 sáng qua (24/5). So với 345 thương vụ, giá trị 1,7 tỷ USD của năm 2010, thì giá trị giao dịch M&A 2011 lập kỷ lục mới khi có mức tăng trưởng 135%.

AVM đánh giá, hoạt động M&A 2011 diễn ra mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cuộc thôn tính trên sàn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tạo cơ hội cho phía có tiền mua thâu tóm DN tiềm năng. Tuy nhiên, với khối CTCK, trước khó khăn chung của thị trường, nhu cầu tái cấu trúc đã lên đến đỉnh điểm và UBCK cũng đã có riêng Đề án tái cấu trúc CTCK, nhưng đến nay, vẫn chưa có thương vụ M&A nội khối nào được thực hiện.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt nhận định, UBCK đã công bố hàng chục CTCK có vốn khả dụng ở mức báo động, rất cần có nhân tố mới để cải thiện tình trạng tài chính, quản trị, trong đó con đường sáp nhập vào CTCK khỏe là một cách làm. Tuy nhiên, đặc thù ngành này có sự phân hóa rõ nét giữa nhóm 10 CTCK lớn nhất (chiếm thị phần trên 50%) với hơn 90 CTCK còn lại, nên các CTCK nhỏ đã khó lại càng khó khăn hơn.

Để tồn tại, sáp nhập với CTCK lớn là một con đường, nhưng thực tế, lợi ích cho các CTCK lớn khi xem xét nhận sáp nhập CTCK nhỏ là…rất nhỏ. CTCK nhỏ không chỉ yếu về năng lực tài chính, mà còn yếu về quản trị, hệ thống khách hàng, nhân sự, nên không có sức hấp dẫn với các CTCK lớn. Nếu các ngân hàng có giá trị riêng ở hệ thống khách hàng gửi tiền, mạng lưới chi nhánh, khi sáp nhập có thể tạo nên giá trị cộng hưởng thì ở khối CTCK, do đặc thù hoạt động ngành, giá trị cộng hưởng của 2 thực thể cùng là CTCK sau sáp nhập gần như bằng 0.

Trên góc độ ngành, đâu là giải pháp để thanh lọc và xây dựng được khối CTCK vững mạnh?

Trong cuộc gặp mặt thành viên tại HNX vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho rằng, con đường tốt nhất để tái cấu trúc các CTCK là tăng vốn pháp định.

Với 5 nghiệp vụ chính, vốn điều lệ của CTCK hiện nay tối thiểu là 300 tỷ đồng, nếu tăng lên con số nghìn tỷ đồng thì quá trình đào thải sẽ tự nhiên xuất hiện.

Những CTCK nào trụ được thì khi vận hành một khối tài sản lớn như vậy sẽ phải cân nhắc kỹ các quy định luật pháp, tránh tình trạng vượt rào, lách luật tràn lan như đã từng xảy ra.

Theo ông Hưng, khác với ngân hàng, trong ngành chứng khoán, nếu tạo áp lực hoặc ép các CTCK sáp nhập với nhau là không thực tế, không tạo nên giá trị mới. Cách tốt nhất là tạo ra quy chuẩn mới về CTCK, trong đó có yêu cầu về vốn, từ đó hình thành cuộc “cách mạng tự thân” tại mỗi CTCK nếu muốn tồn tại và phát triển.

Năm 2012, AVM cho rằng, các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều ở lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng, tài chính - ngân hàng và hoạt động chuyển nhượng các dự án. M&A nội ngành chứng khoán không có tên trong dự báo của các chuyên gia, nhưng khối công ty này lại đóng vai trò “bà mối” cho nhiều cuộc M&A đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Diễn đàn M&A 2012 do Báo Đầu tư và AVM phối hợp tổ chức năm thứ 4 tại Việt Nam diễn ra ngày 7/6/2012 tại TP. HCM sẽ là cuộc hội ngộ nhiều thông tin và cả sự thú vị của các chủ thể thực hiện M&A trên con đường tìm hướng đi tốt nhất để tái cấu trúc và phát triển.

Người quan sát (phamoanh@vir.com.vn)
Người quan sát (phamoanh@vir.com.vn)

Tin cùng chuyên mục