Trong cuộc đua tranh ấy, giao dịch trực tuyến, sự hiện đại về công nghệ, chu đáo trong phong cách phục vụ, cho phép mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng đang được NĐT quan tâm hơn cả ưu đãi về phí môi giới. Ngược lại, cũng chính hạn chế về công nghệ và hệ thống, dịch vụ tại nhiều CTCK đã gây thất vọng cho không ít NĐT.
Nhiều NĐT mở tài khoản tại Hà Nội, có việc phải vào TP. HCM hoặc các địa phương nơi CTCK có chi nhánh, muốn rút tiền từ tài khoản nhưng CTCK từ chối vì không xử lý được lệnh. Ngay như việc tra cứu số dư tài khoản trực tuyến cũng khó thực hiện tại một số CTCK có bề dày hoạt động nhiều năm.
Thị trường đang ở giai đoạn “nhạy cảm”, với những bất tiện như vậy, NĐT sẵn sàng đóng tài khoản và mở mới ở công ty khác, bởi việc mở tài khoản trực tuyến được rất nhiều CTCK áp dụng, thậm chí có đơn vị như CTCK VNDirect còn đang thí điểm dịch vụ mở tài khoản tận nhà.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK VNDirect cho rằng, TTCK là thị trường của thông tin và công nghệ. Có thể nói, bất cứ loại hình sản phẩm hỗ trợ đi kèm nào trong ngành tài chính, chứng khoán đều có bóng dáng của công nghệ thông tin.
Khác với đa số công ty sử dụng giải pháp công nghệ từ công ty, đối tác khác, VNDirect tự phát triển độc lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với đặc thù của mình. “Chính việc đầu tư một cơ sở hạ tầng thông tin mang tính đặc thù này khiến cho sự linh động tại Công ty rất cao, phù hợp với việc cập nhật và nâng cấp sản phẩm tiện ích cho khách hàng”, bà Hương cho biết.
Trong thời điểm thị trường nóng lên, số lượng lệnh sẽ gia tăng đột biến. Một hệ thống được thiết kế để đáp ứng tốt hàng chục nghìn giao dịch mỗi ngày có thể hoàn toàn quá tải nếu chỉ một nửa số giao dịch đó diễn ra trong vòng vài phút! Ở VNDirect, công ty này đã đầu tư một hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ; có thể linh hoạt chạy nhiều hệ thống song song nhằm nâng cao độ an toàn, nâng cao năng lực phục vụ vào giờ cao điểm. Nhờ sự linh hoạt đó mà trên 90% số lệnh giao dịch tại công ty này là thông qua kênh giao dịch từ xa (gồm cả sử dụng điện thoại và Internet).
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) lại công bố cung cấp cho NĐT một gói dịch vụ giao dịch trực tuyến chất lượng cao, chuyên biệt từ A đến Z, từ dịch vụ đăng ký mở tài khoản trực tuyến; giao dịch trực tuyến; thông tin trực tuyến; đặt lệnh chuyển tiền trực tuyến; ứng trước tiền bán chứng khoán trực tuyến… Hiện tại, khoảng 85% khách hàng quan tâm tới các sản phẩm trực tuyến của FPTS đã đăng ký sử dụng gói sản phẩm này.
CTCK TP. HCM (HSC) bên cạnh những “chiêu” quảng bá tên tuổi rầm rộ cũng đầu tư rất mạnh cho hệ thống hạ tầng công nghệ để thu hút khách hàng. Theo đại diện Công ty, HSC hiện đang sở hữu hệ thống phần mềm chứng khoán hiện đại của Anh Quốc cùng với hệ thống phần cứng tối tân cho phép tối đa hóa tốc độ đặt lệnh, quản lý tốt tài khoản khách hàng, theo dõi, phân tích cập nhật thông tin chứng khoán liên tục theo thời gian thực (Real time - blog 1s).
Đứng trên góc độ của người sử dụng và thụ hưởng công nghệ, nhiều NĐT cho rằng, họ sẵn sàng chuyển từ sàn cũ sang giao dịch tại các sàn mới nếu như sàn đó có sự vượt trội về dịch vụ và công nghệ.
Do vậy, để thu hút khách, có CTCK đã đầu tư nhiều triệu USD xây dựng hệ thống công nghệ phần mềm. Tuy nhiên, tiền không hẳn là yếu tố quyết định. Theo ông Huỳnh Minh Vũ, Giám đốc Khối công nghệ thông tin, CTCK VNDirect, nhiều CTCK mạnh về tài chính có thể “bê” nguyên phần mềm đã được sản xuất ở nước ngoài về sử dụng tại Việt Nam. “Ưu điểm của các phần mềm này là có thể sử dụng được ngay, nhưng mỗi khi cần chỉnh sửa cho phù hợp với hệ thống của HOSE hoặc HNX lại rất phức tạp”, ông Vũ nói.
Hiện nay, cơ quan quản lý thị trường đang lấy ý kiến rộng rãi để chuẩn bị trình Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định về yêu cầu hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK. Đây là một bước đi dù chậm nhưng rất cần thiết trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phục vụ NĐT.
Ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê (UBCK) cho rằng, mỗi CTCK phải có hệ thống công nghệ thông tin của riêng mình thì mới có thể bảo vệ an toàn cho các thông tin của NĐT.
Còn theo ông Võ Việt Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, CTCK Sài gòn (SSI), quy định mặt bằng hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK là rất cần thiết bởi hoạt động của các CTCK phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào hệ thống máy tính. Đặc điểm hoạt động của ngành chứng khoán là khối lượng giao dịch rất lớn với yêu cầu thời gian đặc biệt cấp bách, nên bắt buộc phải có sự hỗ trợ của máy tính. Rủi ro công nghệ trong giao dịch chứng khoán cũng rất cao, do vậy cần phải có những quy định cụ thể để chuẩn hóa và làm “yên lòng” NĐT cũng như các tổ chức giám sát.
Với động thái này của cơ quan quản lý, cuộc chạy đua nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các CTCK hứa hẹn vẫn tiếp tục “nóng” và quyết liệt. Chắc chắn rằng, chiếc bánh thị phần sẽ nghiêng về những công ty biết đi tắt, đón đầu về công nghệ để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, khác biệt trên thị trường.