CTCK đại chúng được gọi vào sàn UPCoM?

(ĐTCK) Ngày 15/6/2009 là thời hạn cuối cùng để các công ty chứng khoán (CTCK) đại chúng chưa niêm yết hoàn thành thủ tục đăng ký, lưu ký với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) kế hoạch đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội. Đây là 1 trong 3 nội dung chính của Công văn số 647/UBCK-PTTT của UBCK gửi các CTCK để chuẩn bị cho việc giao dịch trên thị trường UPCoM.
Khi tham gia thị trường UPCoM, NĐT sẽ giao dịch tập trung hơn, cổ phiếu cũng thanh khoản tốt hơn. Khi tham gia thị trường UPCoM, NĐT sẽ giao dịch tập trung hơn, cổ phiếu cũng thanh khoản tốt hơn.

Như vậy, ít nhất 12 CTCK là đối tượng tiềm năng sẽ đăng ký giao dịch tại UPCoM trong thời gian tới đây (xem bảng).

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMES) cho biết: “Chúng tôi không bất ngờ với quyết định trên của UBCK. Tuy nhiên, lựa chọn thời điểm nào để thực hiện đăng ký giao dịch còn tùy thuộc vào quyết định của HĐQT, của cổ đông”.

Theo quy định tại Điều 52, Điều 53 Luật Chứng khoán thì chứng khoán của công ty đại chúng phải được đăng ký và lưu ký tập trung tại TTLK trước khi thực hiện giao dịch. Như vậy, nếu các công ty đại chúng nói chung và CTCK đại chúng chưa niêm yết nói riêng thực hiện nghiêm túc quy định này thì một nội dung trong Công văn 647 của UBCK nêu trên là “phải đăng ký, lưu ký với TTLK” sẽ trở nên không cần thiết.

Việc UBCK “điểm danh” các CTCK như trên có lẽ là một cách “tạo hàng” cho thị trường UPCoM trong bối cảnh thị trường UPCoM là một thị trường mới và hầu hết công ty đại chúng chưa hiểu nhiều về thị trường này?

Hiện tại, chưa có văn bản pháp lý nào quy định các công ty đại chúng phải vào UPCoM, mà chỉ yêu cầu họ đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung.

Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có quy định: “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với công ty đại chúng không đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung tại TTLK theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Luật Chứng khoán” (Điểm c Khoản 2 Điều 10). Nếu quy định này được thực hiện nghiêm, hơn 900 công ty đại chúng sẽ phải lưu ký tập trung tại TTLK. Khi đó, khả năng để các đơn vị này “tự nguyện” vào UPCoM sẽ tăng lên rất nhiều, do phải đáp ứng yêu cầu chuyển nhượng của cổ đông (vì nếu không, ai sẽ là người xác nhận giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu?).

Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó giám đốc CTCK Đại Việt (DVSC)

HĐQT Công ty đã nhất trí là sẽ tham gia giao dịch trên thị trường UPCoM trong thời gian tới. Tôi cho rằng, nhà đầu tư cũng nên hướng vào thị trường UPCoM, bởi những lợi thế như cổ phiếu có tính thanh khoản hơn, các doanh nghiệp phải chú trọng công bố thông tin hơn nên tạo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như tránh hiện tượng mua bán chộp giật, trao tay… rất rủi ro trên thị trường OTC hiện nay. Nhưng quan trọng hơn là khi tham gia thị trường UPCoM, nhà đầu tư sẽ giao dịch tập trung hơn, bởi trong điều kiện hiện nay, nhiều cổ phiếu OTC gần như không có giao dịch. Bên cạnh đó, DVSC đang cố gắng khuyến khích khách hàng, các doanh nghiệp mà Công ty trực tiếp quản lý sổ cổ đông tham gia giao dịch trên thị trường UPCoM để tạo sự sôi động trên sàn này.

Ông Lê Hồ Khôi, Tổng giám đốc CTCK Tràng An (TAS)

Chủ trương của Công ty là đăng ký giao dịch chứng khoán ngay trong đợt đầu và đây cũng là vấn đề được cổ đông đồng ý thông qua. Theo tôi, đăng ký giao dịch, niêm yết ở đâu không phải là vấn đề quan trọng, bởi theo thời gian, sự lớn mạnh của thị trường và của chính công ty đăng ký giao dịch mới là điều quyết định. Với việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM, tôi cho rằng, trách nhiệm của Công ty với cổ đông vẫn thế, vẫn phải chừng ấy công việc trong công bố thông tin, trong khi các cổ đông lại thuận tiện trong giao dịch. Rủi ro duy nhất mà Công ty có thể gặp phải là việc tự do mua bán cổ phần có thể dẫn đến tình trạng Công ty bị thâu tóm, nhưng cái lợi mà nó mang lại là nếu Công ty tốt thì có thể thu hút thêm khách hàng, nhà đầu tư không chỉ trong số nhỏ những người đã biết đến mình, mà là nhà đầu tư trên cả nước.

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt (VDSC)

Trước đây, CTCK Rồng Việt có chủ trương niêm yết cổ phiếu, nhưng với kết quả kinh doanh không khả quan trong năm 2008 thì kế hoạch niêm yết phải trì hoãn. Đối với thị trường UPCoM, Công ty chưa có kế hoạch đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, nên sẽ có cuộc họp của HĐQT trước khi có quyết định chính thức. Mục tiêu hiện tại của Công ty là làm sao để vượt qua khó khăn, kinh doanh hiệu quả và phát triển vì lợi ích lâu dài của cổ đông, chứ không phải là tập trung cho việc lưu ký, đăng ký giao dịch. Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông trong việc thuận tiện chuyển nhượng cổ phiếu là hết sức quan trọng, nên sẽ tùy tình hình cụ thể mà HĐQT ra quyết định.

Danh sách CTCK chưa niêm yết

Nguồn: Theo danh sách công ty đại chúng đăng ký với UBCK tính đến ngày 29/4/2009

STT

CTCK

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

1

CTCK Dầu Khí

150,000

2

CTCK Đại Việt

250,000

3

CTCK Rồng Việt

300,000

4

CTCK Phương Đông

300,478

5

CTCK FPT

440,000

6

CTCK Thiên Việt

447,800

7

CTCK VNS

161,000

8

CTCK Sài Gòn Hà Nội

350,000

9

CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa

150,000

10

CTCK Tràng An

139,000

11

CTCK Gia Quyền

135,000

12

CTCK Chợ Lớn

90,000

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục