Trong khi TTCK toàn cầu đều tăng điểm ấn tượng thì TTCK Việt Nam lại đang đi ngược với xu hướng đó, điều này chỉ xảy ra khi Việt Nam là một ốc đảo và cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài. TTCK Việt Nam giảm điểm, trong khi thị trường thế giới tăng ấn tượng trong những phiên vừa qua, theo tôi, có những lý do sau:
Thứ nhất, sau một thời gian phục hồi mạnh, thị trường điều chỉnh là điều khó tránh khỏi.
Thứ hai, một số nhà đầu tư rút vốn và chờ đợi cơ hội đầu tư mới.
Thứ ba, ngân hàng hạn chế tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán.
Thứ tư, nhiều CTCK liên tục đưa ra những nhận định bất lợi và tiêu cực cho thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao CTCK luôn khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường? Có hay không sự thoả thuận, móc ngoặc của nhà đầu tư lớn (đại gia chứng khoán) với một số CTCK nhằm đẩy thị trường xuống sâu hơn nữa theo kiểu “té nước theo mưa” để các đại gia cơ cấu danh mục đầu tư và gom hàng với giá rẻ?
Một điều đáng nói nữa đó là nhận định của một số CTCK rất hời hợt, chung chung, thiếu cơ sở khoa học, thông qua phỏng đoán chủ quan của một vài cá nhân và đặc biệt là toàn sai. Hết nhận định thị trường Việt Nam, có CTCK lại còn nhận định thị trường Mỹ và đưa ra dự đoán chỉ số S&P500 sẽ giảm điểm mạnh. Kết quả S&P500 đã tăng 6 phiên liên tiếp. Rất may, nhà đầu tư Mỹ không nghe theo nhận định của CTCK Việt Nam.
Trong thời điểm hiện tại, khi TTCK thế giới đang trong xu thế tăng trưởng và thiết lập thêm nhiều mốc ấn tượng mới, kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất khả quan nhờ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ và sự tiến triển của nền kinh tế thì một số CTCK vẫn nhận định theo kiểu “cổ vũ” cho TTCK đi xuống liệu có minh bạch và đáng tin?
Ngay cả mấy phiên tăng điểm vừa qua, một số CTCK vẫn đưa ra khuyến nghị cũ. Nhà đầu tư thử nghĩ xem, bao giờ họ khuyến nghị mua vào và có nên tin hay không?