CTCK 100% vốn ngoại: chưa thể bắt đầu từ 15/9

(ĐTCK) Việc hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, sẽ chưa thể thực hiện được.
CTCK 100% vốn ngoại: chưa thể bắt đầu từ 15/9

Lý do được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chỉ ra là phải đợi sửa đổi các quy định liên quan đến tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Đợi sửa Quyết định 55/2009/QĐ-TTg

Theo Nghị định 58 hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi, thì NĐT nước ngoài được mua cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% của CTCK Việt Nam hoặc mua, thành lập mới CTCK do NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn. Nghị định 58 đã quy định chi tiết điều kiện để NĐT nước ngoài được mua cổ phần, góp vốn hoặc thành lập CTCK 100% vốn ngoại. Bởi vậy, gần đây đã có không ít ý kiến cho rằng, sẽ xuất hiện “làn sóng” hình thành CTCK 100% vốn ngoại sau thời điểm 15/9.

CTCK 100% vốn ngoại: chưa thể bắt đầu từ 15/9 ảnh 1

Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lê sở hữu của bên nước ngoài vẫn đang quy định tối đa là 49%

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Đoan Hùng cho biết, trong quá trình chuẩn bị triển khai Nghị định 58, thì ngoài xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết các điều kiện để hình thành CTCK 100% vốn ngoại, cơ quan quản lý còn phải rà soát, hoàn chỉnh các văn bản pháp lý liên quan đến sự tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, để đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng và chặt chẽ trong quá trình triển khai.

Với yêu cầu đặt ra như vậy, ông Hùng cho biết, Bộ Tài chính, UBCK phải nghiên cứu, xem xét phương án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT ngoài trên TTCK Việt Nam, cho phù hợp với cam kết WTO, Nghị định 58, cũng như các văn bản pháp lý liên quan.

Theo quy định tại Quyết định 55, thì tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được tham gia thành lập CTCK tại Việt Nam . Tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ của CTCK. Do vậy, để mở đường cho hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam , nội dung này phải được điều chỉnh thống nhất với các quy định tại Nghị định 58.

“Khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể hướng sửa đổi Quyết định 55, thì Bộ Tài chính, UBCK sẽ xây dựng phương án chi tiết, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành”, ông Hùng nói.

Được biết, trước đó, UBCK đã đưa nội dung hướng dẫn chi tiết các quy định về hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam trong Nghị định 58 vào dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của CTCK. Dự thảo này đã được hoàn thiện và UBCK trình Bộ Tài chính xem xét ban hành sau thời điểm Nghị định 58 có hiệu lực.

 

CTCK nói gì?

Một số CTCK cho rằng, việc hoàn thiện các quy định pháp lý cho phép hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam theo cam kết WTO như hiện tại là quá chậm. Lẽ ra Việt Nam đã phải mở cửa cho NĐT nước ngoài vào thành lập CTCK 100% vốn ngoại ngay từ đầu năm 2012, theo cam kết WTO.

Dự báo nhu cầu hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam của NĐT nước ngoài, lãnh đạo một CTCK có vốn ngoại chia sẻ, ngay khi quy định pháp lý cho phép, không dễ xuất hiện các tổ chức đầu tư vào thành lập mới CTCK 100% vốn ngoại. Bởi lẽ, sẽ là rủi ro lớn cho NĐT nước ngoài một khi chưa có thời gian thâm nhập, thậm chí trực tiếp tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại TTCK Việt Nam . Nhiều khả năng chỉ xuất hiện kịch bản: NĐT nước ngoài đang nắm dưới 49% cổ phần tại CTCK Việt Nam gia tăng tỷ lệ sở hữu tới 100% khi điều kiện pháp lý chính thức cho phép. Sẽ khó xuất hiện những “đại gia” tên tuổi trên TTCK, tài chính toàn cầu tại các CTCK 100% vốn ngoại tại Việt Nam, mà trước mắt phần nhiều vẫn chỉ là những cái tên đang hiện diện…

Cũng không dễ xuất hiện “làn sóng” mua cổ phần để hình thành CTCK 100% vốn ngoại. Nguyên nhân là bởi TTCK Việt Nam còn không ít hạn chế. Trong đó, quan ngại lớn của NĐT nước ngoài là tính thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện như mong muốn, nên CTCK 100% vốn ngoại khó thấy “cửa” kéo NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam thông qua sử dụng dịch vụ tại các CTCK 100% vốn ngoại. Quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi số lượng các CTCK quá nhiều, tính chất cạnh tranh gay gắt, nên trong con mắt NĐT nước ngoài, việc tham gia kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam trong ngắn hạn chưa phải là cơ hội tốt.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục