Ngày 20/8/2018 đánh dấu dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động của CTCP Create Capital khi 15 triệu cổ phiếu CRC chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Cổ phiếu CRC đã có phiên chào sàn không thể tốt hơn khi tăng hết biên độ, đạt 15.200 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 176.000 đơn vị.
Ông Mai Anh Tám, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Với việc niêm yết cổ phiếu thời điểm này, CRC muốn để nhà đầu tư thấy chúng tôi bước vào một sân chơi lớn với các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp cao hơn. Còn dưới góc độ doanh nghiệp, tôi vẫn nhìn nhận thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng trong tương lai”.
Theo ông Tám, bối cảnh thị trường hiện tại là cơ hội thuận lợi để CRC tiếp tục thực hiện chiến lược M&A trong cả lĩnh vực gạch ngói và nông sản. Bên cạnh kế hoạch M&A, Công sẽ ty tiếp tục đầu tư mới trong hai lĩnh vực cốt lõi là vật liệu xây dựng và nông sản; trong đó, không ngừng áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành, tăng tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.
“Thị trường gạch ngói hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng công nghệ chưa thực sự vượt trội, trong khi đây lại là lợi thế của CRC. Tại thời điểm này, Nhà máy Hòa Bình của CRC là nhà máy sản xuất gạch ngói lớn nhất tại Việt Nam, với công suất tối đa lên tới 100 triệu viên/năm, gấp khoảng 3 lần công suất nhà máy thông thường”, ông Tám cho hay.
Không dừng lại ở đó, CRC dự kiến sẽ đầu tư Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói công nghệ mới tại Khu công nghiệp Minh Quân, tỉnh Yên Bái với công suất 100 triệu viên/năm và với công nghệ gần như tự động hoàn toàn. Tổng vốn đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng, sẽ lấy từ nguồn vốn tự có và xem xét tăng vốn nếu cần thiết.
“Hiện dự án đang triển khai xin giấy phép, dự kiến khởi công vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Việc đầu tư sẽ thực hiện nhanh chóng để sau 4 tháng có thể hoàn thành đi vào vận hành nhằm giảm thiểu chi phí. Điều này chúng tôi đã có kinh nghiệm từ đầu tư nhà máy tại Hòa Bình”, ông Tám nói và cho biết thêm, kỳ vọng nhà máy sẽ tạo ra lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Đây sẽ là dự án đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh của Công ty trong giai đoạn tới.
Theo định hướng phát triển, CRC hoạt động theo mô hình “sở hữu tài sản” đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel thông qua hình thức M&A và đầu tư mới. Ngoài công nghệ, lợi thế của CRC trong việc sở hữu mỏ đất sét cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất gạch nung. Đó cũng là chiến lược của Công ty trong việc tập trung để quy hoạch vùng mỏ nguyên liệu trong tương lai. Hiện nay, CRC đang triển khai xin giấy phép khai thác mỏ tại Kon Tum, bên cạnh các mỏ tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Bên cạnh lĩnh vực vật liệu xây dựng, CRC còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cao su. Theo ông Tám, doanh thu của CRC chủ yếu đến từ hai mảng hoạt động chính, bao gồm vật liệu xây dựng và nông sản; lợi nhuận từ hai mảng này là tương đương nhau trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty.
Theo báo cáo hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2018, CRC đạt doanh thu 93,6 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Do trong kỳ không có lợi nhuận khác nên lợi nhuận sau thuế của CRC đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng mạnh, đạt hơn 5,1 tỷ đồng.
Chia sẻ về triển vọng 6 tháng cuối năm, ông Tám cho hay, đặc thù của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Công ty thường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tập trung vào 6 tháng cuối năm.
“Với diễn biến thuận lợi, chúng tôi tự tin có thể hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2018”, ông Tám khẳng định.