CPTPP có “thắp sáng” hơn triển vọng ngành thủy sản?

(ĐTCK) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá sẽ mang tới nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, da giày và thủy sản. Vậy thực tế, doanh nghiệp thủy sản sẽ đón nhận những cơ hội nào từ vận hội này?

Nhìn vào khối thị trường 11 nước thành viên CPTPP, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, có thể thấy Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế để xâm nhập sâu vào các thị trường trong khối, đặc biệt là Canada, Mexico và Peru – các quốc gia chúng ta chưa ký hiệp định thương mại.

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các quốc gia thành viên CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng gần 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico là những đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản. Riêng với thị trường Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Cũng theo Vasep, khi Việt Nam tham gia CPTPP, so với “đối thủ” đáng gờm là Thái Lan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ giành được ưu thế tại 10 quốc gia thành viên, trong khi 25% thị phần xuất khẩu thủy sản hiện tại nằm ở nhóm này. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cho thấy cam kết hội nhập ngày càng chặt chẽ và mỗi hiệp định đều mang tới những lợi ích khác nhau. Riêng với ngành tôm, tác động của CPTPP khá hạn chế, bởi sản phẩm này của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn thuộc khối CPTPP đang được hưởng thuế suất bằng không.

Cụ thể, Nhật, Canada và Úc, các khách hàng lớn đối với sản phẩm tôm của Việt Nam đều đang áp dụng thuế suất bằng không. Bên cạnh đó, thị trường New Zealand khá nhỏ, trong khi Peru và Mexico tự chủ được nguồn tôm nên không có nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài.

Thay vào đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với Liên minh châu Âu (EU), bởi đây từ lâu là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất. Nếu hiệp định thương mại với EU được ký kết, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu thuế suất bằng không, trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%, tạo nên lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Đáng chú ý, theo ông Lực, với một hiệp định đa phương, không chỉ Việt Nam có lợi thế thâm nhập thị trường mà các đối thủ cùng khối cũng có cơ hội, mong muốn tương tự. Do đó, mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC) cho rằng, CPTPP ít mang lại lợi thế đặc biệt cho doanh nghiệp thủy sản Việt, bởi mức thuế với các thị trường trong khối hầu hết đang bằng 0. Trong khi đó, các hàng rào phi thuế quan mới là vấn đề cần chú trọng.

Theo ông Quang, MPC có thể hưởng lợi từ CPTPP, bởi hàng rào phi thuế quan sẽ cản bước doanh nghiệp nhỏ, nhưng không làm khó được các công ty đã đáp ứng tốt các yêu cầu này.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Quang cho biết, MPC đang ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao để tiến tới truy xuất nguồn gốc, đưa ra tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn quốc tế để có thể đáp ứng yêu cầu tại các thị trường thuộc CPTPP.

Thực tế, hàng rào kỹ thuật dựng lên tác động một phần đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, chưa kể, các doanh nghiệp nhỏ khó lòng có thể đáp ứng tốt các yêu cầu này. Tuy nhiên, tại FMC, ông Lực cho biết, có hay không các hiệp định thương mại, thì Công ty đều xác định phải coi vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp theo đến chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh.

“Đây luôn là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài nếu doanh nghiệp muốn phát triển. Nếu có thêm các hiệp định thương mại, thì các tiêu chuẩn sẽ cao hơn, nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị sớm”, ông Lực cho hay.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục