Theo quy định 60 ngày kể từ khi các nước thông báo cho New Zealand (nước lưu chuyển hiệp định) về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định này sẽ hiệu lực với quốc gia đó.
Như vậy, với thông báo tới New Zealand từ 15/11/2018, thì hôm nay (14/1/2019) CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Cơ bản giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP, nhưng CPTPP cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...
Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho đây là "những cam kết lần đầu tiên của Việt Nam với một hiệp định thương mại thế hệ mới".
Cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam, theo ông Khanh, không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Cải cách thể chế cũng là "ưu tiên số một" được Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh khi nói về thời cơ của Việt Nam từ hiệp định này.
Ông Thành cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ, vẫn cần đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. Cùng đó, chất thị trường ở Việt Nam phải hiện đại và đầy đủ để hội nhập tốt hơn trong CPTPP.
"Một khi đã bước vào cuộc chơi, thì cũng cần phải chấp nhận sẽ có những rủi ro, thách thức. Những rủi ro, thách thức đôi khi lại là điều cần thiết để có cơ hội tốt cho phát triển bền vững và nhanh hơn", ông Thành nói.
Hiệp định CPTPP được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.